Vươn lên từ vị trí thứ 2 vào năm 2016, Samsung Electronics Việt Nam đã vượt qua Tập đoàn dầu khí để chiếm vị trí số 1 trong bảng xếp hạng năm nay. Về bảng xếp hạng doanh nghiệp tư nhân lớn nhất, Vingroup đã tăng 5 bậc, soán ngôi đầu của Ô tô Trường Hải.
Năm 2017 chứng kiến sự trỗi dậy của khối doanh nghiệp tư nhân. Nếu như 10 năm trước, khối tư nhân chỉ chiếm 20% trong tổng số 500 doanh nghiệp thì năm nay con số này tăng lên mức 50%. Tuy nhiên, đứng đầu bảng xếp hạng năm nay là Samsung Electronics Việt Nam, 4 vị trí tiếp theo thuộc về các tập đoàn Nhà nước: Tập đoàn Điện lực (EVN), Tập đoàn Dầu khí (PVN), Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) và Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex). Điều này cho thấy sự thống trị của doanh nghiệp nước ngoài và các tập đoàn Nhà nước.
Xét về doanh thu, khu vực Nhà nước vẫn đóng góp tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu của top 500. Cụ thể, các doanh nghiệp Nhà nước đóng góp 52% cho tổng doanh thu. Tiếp theo, khu vực tư nhân đóng góp 32,3%, tăng khoảng 5% so với năm 2016.
Báo cáo cũng cho thấy các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh. 40,6% cho rằng nguyên nhân là do yêu cầu vốn đầu tư lớn. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng gặp vấn đề thiếu nhân lực chất lượng cao (40,6%) và lo ngại về an ninh mạng và bảo mật dữ liệu (32,8%).
Gần 65% doanh nghiệp lớn dự định mở rộng sang các dự án, lĩnh vực kinh doanh mới (start-up) trong vòng 2 năm tới. Trong đó, hai lựa chọn được các doanh nghiệp hướng tới nhiều nhất là tìm kiếm thị trường mới (68%) và thực hiện các dự án liên doanh, liên kết (57%). Ngoài ra, có 19% doanh nghiệp nhận định sẽ thực hiện các thương vụ mua bán-sáp nhập và 11% doanh nghiệp sẽ chi nguồn vốn đầu tư cho các start-up có triển vọng.
Về top 5 ngành có tổng doanh thu lớn nhất năm 2017, đứng đầu là ngành điện. Đây là năm thứ 3 liên tiếp ngành điện chiếm ngôi đầu với tổng doanh thu lớn nhất. Khoáng sản, xăng dầu xếp vị trí thứ hai. Tiếp đến là các ngành Tài chính; Thực phẩm – đồ uống và Viễn thông, tin học, công nghệ thông tin.
75% doanh nghiệp chứng khiến doanh thu tăng lên trong năm nay. Dự báo năm 2018, hầu hết các doanh nghiệp đánh giá doanh thu và tình hình sản xuất kinh doanh sẽ tăng lên so với 2017. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đánh giá tích cực về những cải thiện môi trường đầu tư 2017. Trên 50% doanh nghiệp lựa chọn từ tốt cho đến rất tốt đối với các vấn đề thủ tục pháp lý, khả năng tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, thủ tục hành chính và các vấn đề về thuế vẫn là mối bận tâm của nhiều doanh nghiệp trong giai đoạn này. Hơn 50% doanh nghiệp đánh giá thủ tục hành chính tại Việt Nam ở mức trung bình và gần 5% doanh nghiệp đánh giá mảng này ở mức kém.
Các doanh nghiệp cho biết việc đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế, cải cách thủ tục hành chính và cắt giảm đầu tư – kinh doanh trực tiếp của Nhà nước là biện pháp hỗ trợ cần thiết đối với doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ làm tốt trong công tác phòng chống tham những, đánh giá năng lực cán bộ; kết hợp với cắt giảm đầu tư công; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và tái cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty lớn trong thời gian tới.
Báo cáo do Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietNamNet thực hiện. Đây là lần thứ 11 liên tiếp Bảng xếp hạng VNR500 tôn vinh các doanh nghiệp có quy mô lớn nhất Việt Nam. Báo cáo VNR500 cung cấp những góc nhìn mới về tình hình kinh doanh cũng như nguyện vọng của các doanh nghiệp. Từ đó, Nhà nước và doanh nghiệp có thể xác định được những hướng đi cho doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2018.
SOHA.VN