“Trong số gần 500 nghìn doanh nghiệp (DN) tư nhân đang hoạt động, có gần 10 nghìn DN lớn, còn lại là DN quy mô nhỏ hoặc siêu nhỏ. Vậy phải làm sao để không chỉ 10 nghìn DN lớn mà phải có nhiều hơn nữa các tập đoàn tư nhân ở Việt Nam hùng mạnh như các tập đoàn có mặt tại đây?” – câu hỏi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi đối thoại chính sách với lãnh đạo 14 tập đoàn kinh tế tư nhân (KTTN) lớn tổ chức mới đây đã gợi lên rất nhiều suy ngẫm. Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, chúng tôi đã trao đổi ý kiến với một số doanh nhân, chuyên gia về cơ chế tạo động lực thúc đẩy DN trở thành tập đoàn mạnh. |
Don Lam, Tổng Giám đốc Vina Capital, Phó Trưởng ban Nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân Việt Nam: Việt Nam đang có một cộng đồng DN năng động, phát triển vững chắc hơn qua từng năm, xuất hiện các tập đoàn đạt quy mô khu vực, được giới đầu tư nước ngoài ưu tiên quan tâm khi tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Tôi tin tưởng, cùng với nền kinh tế phát triển và sự ủng hộ của Chính phủ, sẽ có thêm nhiều DN tư nhân khác vươn đến tầm khu vực, đại diện cho nền kinh tế đất nước trong những năm tới. Bản thân tôi kỳ vọng vào ngành công nghệ. Các công ty thuộc lĩnh vực này có thể dễ dàng vươn ra thị trường nước ngoài, dựa trên sự phát triển của mạng toàn cầu và thiết bị di động. Các công ty Việt Nam còn có thêm lợi thế từ việc hình thành sân chơi chung là Cộng đồng kinh tế ASEAN. Hơn nữa, năng lực của các kỹ sư công nghệ thông tin Việt Nam được đánh giá cao trên thị trường khu vực, nhân lực cho ngành đang nhận được nhiều ưu tiên phát triển từ chính sách quốc gia đến chương trình đào tạo của DN. Về cơ chế, chính sách mang tính động lực, đột phá, giúp DN có tiềm năng phát triển thành tập đoàn KTTN, tôi cho rằng, trước hết, Chính phủ phải xác định rõ rằng, Việt Nam trong tương lai sẽ ở vị thế nào trong nền kinh tế toàn cầu? Lĩnh vực nào sẽ là thế mạnh của Việt Nam? Việc có một hình dung rõ ràng như vậy là cơ sở để đề ra những ưu tiên phát triển cùng với hệ thống quản lý xuyên suốt và thống nhất theo từng giai đoạn. Dựa vào đó, các DN sẽ xây dựng chiến lược bảo đảm mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ và tương hỗ với mục tiêu quốc gia trong một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch. TS Nguyễn Ðình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư:
Nhà nước cần tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng Nhìn ra thị trường, có thể nhận thấy những thương hiệu, mặt hàng được người tiêu dùng đánh giá cao, hầu hết thuộc về KTTN. Nhiều DN đã thành công, vươn mình trở thành những tập đoàn KTTN hoạt động đa ngành, với sức cạnh tranh tốt trên thị trường. Tuy nhiên, so với thế giới, quy mô các tập đoàn của Việt Nam còn tương đối nhỏ, phạm vi hoạt động chủ yếu trong nước, chưa vươn ra khu vực cũng như thị trường quốc tế. Việc hình thành các tập đoàn KTTN là xu thế khách quan, tuy nhiên, chúng ta không nên can thiệp sâu vào quá trình này, để DN tự do sáng tạo và phát triển. Nhiều DN nhỏ cạnh tranh với nhau để lớn mạnh, sẽ xuất hiện thêm nhiều DN vừa và lớn. Trong bối cảnh hiện nay, quá trình này chỉ từ năm đến 10 năm, với công nghệ mới, cách làm mới là có thể sản sinh ra một lớp DN lớn mạnh. Ðiều Nhà nước cần quan tâm là tạo dựng được môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch và bình đẳng cho DN phát triển. Thêm nữa, phải có những cơ chế hữu hiệu để bảo đảm môi trường kinh doanh an toàn, và nhất là bảo vệ tốt hơn tài sản sở hữu của người kinh doanh. Ðây là yếu tố còn rất thiếu trong hầu hết các phương diện chính sách, luật lệ, thực thi từ lập pháp, hành pháp đến tư pháp. Nếu giải quyết được yếu tố này, sẽ chữa được căn bệnh “ngại lớn” của DN, giúp họ có thêm khát khao và động lực phấn đấu, vươn mình trở thành những tập đoàn kinh tế hùng mạnh, đủ sức lực để kéo kinh tế đất nước vững bước tiến về phía trước. TS Trần Ðình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam:
Cần đầu tư cho những tập đoàn đầu tàu Những tập đoàn mạnh sẽ định hình chân dung kinh tế quốc gia, là trụ cột để các DN nhỏ và vừa liên kết, tạo thành lực lượng DN Việt Nam đúng nghĩa. Các tập đoàn KTTN cũng là những thủ lĩnh, có vai trò tập hợp khối DN Việt Nam trong công cuộc cạnh tranh và hợp tác phát triển toàn cầu. Do đó, cần có những chính sách hỗ trợ phát triển đặc thù cho các tập đoàn này. Cụ thể, thay vì “cào bằng” nguồn lực, Chính phủ cần tập trung nhiều cho những tập đoàn đóng vai trò “đầu tàu”, trụ cột phát triển chuỗi giá trị trong các ngành, lĩnh vực. Nhưng cần lưu ý, việc hỗ trợ không phải theo cách chọn “người thắng cuộc” như trước đây, mà tập đoàn nào cạnh tranh giỏi, đóng góp tốt cho các mục tiêu chiến lược quốc gia thì mới hỗ trợ. Còn DN vừa và nhỏ vốn là vệ tinh trong chuỗi giá trị chắc chắn cũng sẽ được hưởng lợi nhờ sự kết nối phát triển với các tập đoàn. Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Vietjet Air:
Tạo điều kiện cho hàng không tư nhân đầu tư hạ tầng sân bay GDP quý III – 2017 đạt 7,46%, chủ yếu đến từ khu vực KTTN và đầu tư nước ngoài trong các ngành thủy sản, lắp ráp chế tạo và du lịch. Ðây là kết quả tích cực bước đầu của chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong số hơn 100 đường bay hiện nay của hãng hàng không Vietjet Air, gần hai phần ba là đường bay quốc tế, với các chỉ số an toàn, khai thác, độ tin cậy thuộc nhóm cao của các hãng hàng không trên thế giới. Chúng tôi đã chứng minh khả năng cạnh tranh toàn cầu và sẵn sàng hội nhập, đồng thời thúc đẩy phát triển toàn ngành hàng không, kết nối các doanh nghiệp, xây dựng chuỗi cung ứng, đào tạo nhân lực kỹ thuật cao, bảo dưỡng kỹ thuật, dịch vụ mặt đất, logistics… Hiện nay Vietjet Air hoàn toàn không có bất cứ cơ sở nào tại sân bay, toàn bộ dịch vụ phải phụ thuộc các doanh nghiệp khác. Vì thế, chúng tôi kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện cho hàng không tư nhân đầu tư kết cấu hạ tầng sân bay, nhà ga, tạo dựng được cơ sở hạ tầng tại sân bay, phục vụ cho kế hoạch phát triển lâu dài và bền vững, cạnh tranh với khu vực và quốc tế. GS, TS Nguyễn Ðức Khương, Phó Giám đốc, Trưởng khoa Tài chính, Học viện Quản lý và quản trị kinh doanh (Cộng hòa Pháp):
Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu đổi mới sáng tạo Ðể hỗ trợ DN phát triển thành các tập đoàn hùng mạnh, theo tôi, cần khuyến khích và hỗ trợ DN đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Ðây là phương thức để bắt nhịp với nền kinh tế số hóa, tiếp cận các mô hình kinh tế mới, linh hoạt và đem lại giá trị gia tăng cao. Thêm vào đó là thúc đẩy kết nối và xây dựng chuỗi giá trị giữa các DN trong cùng một lĩnh vực hoặc cùng một cụm cạnh tranh. Một chính sách thuế phù hợp sẽ giúp thực hiện cả hai hướng đi này. Thí dụ: Miễn, giảm thuế trong nhiều năm cho các DN đổi mới sáng tạo; miễn, giảm thuế tiêu dùng cho các sản phẩm sử dụng phần lớn chuỗi cung ứng trong nước; có cơ chế vay vốn ưu đãi đối với các lĩnh vực ưu tiên. DN có quy mô càng lớn thì khả năng tạo ảnh hưởng đến nền kinh tế càng lớn. Ðây cũng là điều tất yếu của thị trường. Do đó, các quyết sách kinh tế cần phải được suy nghĩ và quyết định cẩn trọng, đúng đắn, để có được một nền tảng phát triển thị trường bền vững. Khi thị trường được thiết kế chuẩn mực, có cơ chế kiểm soát hiệu quả và minh bạch thì sẽ dễ dàng ngăn chặn được những tác động xấu từ DN đến thị trường. Ðể giảm nguy cơ lũng đoạn thị trường và nền kinh tế, bài học kinh nghiệm quốc tế cho thấy chúng ta cần minh bạch hóa thông tin, trong sạch hóa đội ngũ cán bộ, lãnh đạo tập đoàn, DN; đẩy mạnh thi hành luật chống độc quyền (anti-trust law); thực thi nghiêm minh các quy định pháp lý chống đầu cơ trong khủng hoảng, bao gồm khủng hoảng kinh tế, tài chính và khủng hoảng do các thảm họa thiên nhiên gây ra. |
THÁI LINH (ghi) |
HÌNH THÀNH NHỮNG TẬP ĐOÀN KINH TẾ TƯ NHÂN MẠNH