Nhà máy AA Corporation, công ty hàng đầu về thiết kế và sản xuất đồ nội thất cho thị trường tầm trung và cao cấp tại Việt Nam, có diện tích 14 héc ta ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Tại đây, với 1.800 công nhân, AA sản xuất phục vụ các hợp đồng cho khách hàng tại Việt Nam và hơn 20 quốc gia khác. Họ thực hiện tất cả các công đoạn và sản phẩm tại nhà máy, rồi đưa đến lắp ráp tại hiện trường với 800 người phụ trách ở công trường.
Trên phần đất trước đây là văn phòng, một khu nhà xưởng mới đang được xây dựng nhằm mở rộng khả năng sản xuất, và công nhân phải tăng ca thường xuyên từ 17h đến 21h để đáp ứng đơn hàng. Mỗi tháng, nhà máy AA có khả năng thực hiện hoàn chỉnh nội ngoại thất một công trình khách sạn 5 sao 200 phòng theo dạng “chìa khóa trao tay.”
Gần 20 năm trước, ông Nguyễn Quốc Khanh, sáng lập và chủ tịch của AA, đã mua mảnh đất bị bỏ hoang do nhiễm phèn để xây dựng nhà máy. Giờ đây, ngoài nhà máy đặt ở Long An, công ty còn có các nhà máy quy mô nhỏ hơn ở Hà Nội, Bhutan và Myanmar.
Sự phát triển của AA là một điển hình cho thấy ngành chế biến gỗ và nội thất tại Việt Nam lớn mạnh không ngừng trong 20 năm qua.
Năm 2017, xuất khẩu gỗ của Việt Nam trị giá 8 tỉ đô la Mỹ, trong đó, đồ gỗ khoảng 6,7 tỉ đô la Mỹ, còn lại là những sản phẩm lâm sản ngoài gỗ như mây, tre, nứa, lá… Bên cạnh đó, giá trị sản xuất đồ gỗ nội địa khoảng 1,65 tỉ đô la Mỹ. Nhiều năm liên tục, gỗ nằm trong tốp 10 nhóm mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất Việt Nam.
Trong số khoảng 100 quốc gia xuất khẩu đồ gỗ, với tổng giá trị xuất khẩu là 141 tỉ đô la Mỹ và nhu cầu thế giới tiêu thụ được dự báo là 600 tỉ đô la Mỹ, sự tham gia của Việt Nam tuy tạo ấn tượng trong thời gian qua nhưng còn chiếm cơ cấu khiêm tốn. Bởi vậy, ngành chế biến gỗ và nội thất, lĩnh vực thâm dụng lao động “có nhiều dư địa để phát triển, phù hợp với người Việt Nam,” theo ông Nguyễn Quốc Khanh, người cũng đang nắm vai trò chủ tịch hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA).
Trong khi các lĩnh vực như may mặc, điện tử, da giày có nguy cơ bị mất việc do công nghệ, tự động hóa, lao động trong ngành gỗ ở Việt Nam chưa thực sự cảm nhận rõ ảnh hưởng do ngành này đòi hỏi tính chất thủ công lớn. Lao động trong ngành gỗ năm 2017 ước tính khoảng 420.000. HAWA dự báo nhu cầu lao động đến năm 2020 là 533.720 người và năm 2025 là 890.500 người, chưa kể lao động tại các các ngành nghề phụ trợ.
Sản xuất sản phẩm gỗ tại nhà máy AA, Long An. Ảnh: Danny Bách
Sự khéo tay là một thế mạnh của người lao động ở Việt Nam trong ngành gỗ. Ngoài ra, gỗ là ngành thâm dụng lao động không cần đào tạo phức tạp, nên chỉ cần từ 3 – 6 tháng có thể đào tạo một người chưa biết gì thành thợ và sau khoảng một năm họ có thể đứng máy. Dù máy móc giúp tăng năng suất lao động, giảm thiểu sai sót, nhưng như ông Phạm Thanh Phong, giám đốc kỹ thuật dự án của AA quan sát sau hơn 20 năm kinh nghiệm, thì ngành nghề sản xuất gỗ vẫn có tính chất thủ công cao.
Nếu tự động hóa là một bước hướng tới công nghiệp 4.0, khi mọi thiết bị đều “nói chuyện” được với nhau, mọi thứ đều kết nối với nhau, thì trong ngành sản xuất và chế biến gỗ, con người vẫn có vai trò trung tâm.
“Khác với dây chuyền sản xuất mì gói, những ngành như gỗ và thủy sản vẫn cần nhiều bàn tay của con người,” ông Phong nói với Forbes Việt Nam khi cùng phóng viên đi tham quan các khu vực nhà xưởng của AA.
Nhà xưởng rộng rãi, không bụi hay quá ồn như người ta vẫn hình dùng về ngành gỗ. Không gian được chia thành những khu vực riêng biệt, phục vụ cho từng bộ phận hay các dây chuyền sản xuất, như chế biến nguyên liệu, thổi vec-ni, chà nhám, tạo hoa văn, sơn, xi mạ màu, hay làm kim loại, đá… Những công nhân ngồi tỉ mẩn làm những công việc đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay và cả sự kiên nhẫn.
Nhà máy của AA được xem là nơi sản xuất trọn gói quy mô thuộc loại lớn nhất trong ngành nội thất của Việt Nam chuyên phục vụ cho các dự án “chìa khóa trao tay” tầm từ bốn sao trở lên. “90% nội thất của các công trình 4,5 sao ở Việt Nam đều do doanh nghiệp trong nước thực hiện, và ngành gỗ là ngành hiếm hoi của Việt Nam mà người Việt Nam làm chủ được công nghệ,” ông Khanh nhận định.
Dù được xem là xứ làm đồ gỗ, Việt Nam từng bị các nước như Malaysia, Indonesia và Thái Lan bỏ xa. Ông Nguyễn Chiến Thắng, chủ tịch và giám đốc công ty Scansia Pacific tại Đồng Nai, nơi đang sản xuất đồ gỗ nội thất cho các thương hiệu bán lẻ lớn như Walmart, IKEA… vẫn nhớ cú sốc khi tham quan nhà máy quy mô 700 công nhân ở Malaysia năm 1992. Ông ước mơ trong đời mình sẽ được chứng kiến có một nhà máy tương tự về quy mô và kỹ thuật sản xuất như vậy ở Việt Nam.
Giờ thì nhà máy của ông Thắng, người 40 năm tham gia ngành gỗ, có quy mô nhân sự lớn gấp đôi ước ao đó. Khoảng năm 2000 là thời kỳ doanh nghiệp gỗ ở Việt Nam bùng phát và Việt Nam bắt đầu nhập khẩu gỗ để sản xuất, nhằm đáp ứng các yêu cầu khắt khe về môi trường của các thị trường phát triển như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ. Năm 2018, dự kiến giá trị xuất khẩu gỗ là khoảng 9 tỉ đô la Mỹ. Việt Nam đứng đầu về xuất khẩu gỗ trong các nước Đông Nam Á khoảng sáu năm nay. Từng ngồi ở “chiếu dưới” về quy mô, giờ đây Việt Nam đứng thứ năm trên thế giới (sau Trung Quốc, Mỹ, Ý, Ba Lan) và thứ hai châu Á.
Đang có nhiều yếu tố thuận lợi cho ngành sản xuất và chế biến gỗ tại Việt Nam và quốc tế. Ngành gỗ Việt Nam đang hưởng lợi nhờ sự sôi động của thị trường bất động sản. Ở thị trường xuất khẩu, khi nền kinh tế Mỹ và châu Âu hồi phục, nhu cầu của thị trường với đồ gỗ vẫn tiếp tục tăng.
Trong tổng số khoảng 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ cả nước hiện nay, có khoảng 550 doanh nghiệp FDI, tổng số doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu là 1.502. Những năm gần đây, doanh số xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam đã vượt trên FDI, với cơ cấu xuất khẩu lần lượt là 53% và 47%.
Có khoảng 30 doanh nghiệp của Việt Nam có khả năng đem về doanh thu xuất khẩu trên 30 triệu đô la Mỹ / năm. Nguồn nguyên liệu chủ yếu là gỗ rừng trồng (52% nhu cầu sản xuất đồ gỗ xuất khẩu và nội địa), còn lại là nhập khẩu. Nếu so với tổng cầu của toàn ngành (bao gồm gỗ, sản phẩm gỗ, dăm gỗ, ván nhân tạo…) thì gỗ rừng trồng thỏa mãn 80%, nhập khẩu khoảng 20%.
Nếu AA nhắm vào phân khúc trung và cao cấp, nơi khách hàng có điều kiện và sự hiểu biết nhất định để chi trả cho những giá trị làm “bằng tay”, công ty Scansia Pacific của ông Thắng tập trung vào sản xuất hàng quy mô lớn cho các đối tác đòi hỏi số lượng, bên cạnh những tiêu chí khắt khe về môi trường và an toàn.
Ông cho rằng, trong khi ngành điện tử, da giày và may mặc của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, cũng như chu kỳ công nghệ có thể tác động lớn tới số lượng lao động có việc làm, còn nông nghiệp của Việt Nam cũng không có nhiều ưu điểm về quy mô hay công nghệ để cạnh tranh, ngành gỗ tại Việt Nam là một ngành khép kín, có sức cạnh tranh mà trong tương lai gần, ít có quốc gia nào có khả năng sớm bắt kịp Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á.
Trung Quốc và Việt Nam là hai nước có thế mạnh về ngành gỗ do có con người có những đặc tính phù hợp với ngành nghề này. “Ngành gỗ, làm cho có lời là rất khó, vì quản lý rất khó, đòi hỏi chi li trong tính toán, kiểm soát không được lơ là,” ông Thắng lý giải nguyên nhân các nước khu vực dù có nhiều tài nguyên, nhiều tiền nhưng vẫn chưa phát triển được ngành gỗ.
Tại nhà máy của ông Thắng, khâu chế biến gỗ (như cưa, xẻ) sử dụng nhiều máy móc để cải thiện năng suất và chất lượng, nhưng để sử dụng gỗ một cách tối ưu cần tới con người. Tuy nhiên, máy móc đang thay đổi nhanh chóng quy mô về doanh thu của nhà máy, dù họ chưa nghĩ tới việc giảm bớt nhân sự. Cách nay vài năm, với quy mô khoảng 1.000 người, họ có doanh thu khoảng 10 triệu đô la Mỹ/năm, thì giờ đây, với số lượng nhân sự tương tự, họ tạo ra doanh thu khoảng 30 triệu đô la Mỹ.
Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, người có hơn nửa thế kỷ hoạt động trong ngành gỗ, và là giám đốc công ty cổ phần Thủ công Mỹ nghệ gỗ Liên Minh, nơi tổ chức hội chợ quốc tế đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VIFA), nếu được đầu tư phát triển, ngành gỗ sẽ giúp tạo ra một nền kinh tế dân sinh bền vững, và ngành này đang được sự chú ý lớn trên thế giới.
Hội chợ là cách để ông Hạnh đo lường sức nóng của thị trường. Ông chứng kiến VIFA 2018 diễn ra tại trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn vào tháng 3.2018 có số lượng gian hàng trưng bày là 1.961 gian, tăng 28% so với năm trước; số lượng doanh nghiệp tham gia là 392, tăng 25%, trong đó đồ nội thất chiếm 80%.
Số quốc gia tham gia cũng tăng từ 14 quốc gia (với 321 gian hàng của 100 doanh nghiệp, chiếm 21% diện tích trưng bày) năm 2017 lên 20 quốc gia, 454 gian hàng của 144 doanh nghiệp và 37% diện tích. Tổng số lượng khách tham quan năm 2018 là hơn 11 ngàn khách, tăng 20%, trong số đó, khách quốc tế chiếm gần ½. Và cần mất hai ngày mới xem hết hội chợ.
Nhìn nhận ngành gỗ vừa sáng tạo, nghệ thuật, và sản phẩm là tài sản giá trị, ông Hạnh nói: “Ngành gỗ không bị cạnh tranh như những ngành khác, trong khi có thể lan tỏa tác động rất rộng ra ngoài xã hội. Nếu được đầu tư, bài toán thâm dụng lao động được giải quyết, mà không sợ ai bị mất việc, vẫn có năng suất cao.”
Ở tuổi 59, ông Khanh vẫn miệt mài với các chiến lược mở rộng, chinh phục các khách hàng và thị trường khó tính. Tháng 6.2018, trung tâm trưng bày sản phẩm của AA ở phía ngoài nhà máy đang hoàn tất, phục vụ cho thị trường còn rất nhiều dư địa. “Ngành gỗ là một ngành phát triển bền vững, với quy mô rất lớn, mức độ cung ứng hiện nay của Việt Nam cho thế giới còn nhỏ, tương lai có thể làm được rất lớn,” ông nói.
Phỏng vấn: “CHẾ BIẾN VÀ KINH DOANH GỖ KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ PHÁ RỪNG”
Ông Nguyễn Quốc Khanh, chủ tịch AA và HAWA.
Trong bối cảnh rừng bị tàn phá, các doanh nghiệp sản xuất và chế biến gỗ của Việt Nam hay bị cho là tiếp tay cho hoạt động phá rừng, vì việc kinh doanh của họ gắn liền với gỗ. Ông Nguyễn Quốc Khanh, chủ tịch HĐQT AA và chủ tịch HAWA giải thích:
Nhận thức từ xưa tới giờ là ngành gỗ là ngành hủy hoại về môi trường, phá rừng. Nhưng doanh nghiệp trong ngành gỗ xuất khẩu khác với doanh nghiệp phá rừng, vì xuất khẩu thì phải đảm bảo nguồn gỗ hợp pháp mới được phép xuất đi. Dư luận xã hội không thấy điều này.
Nhà nước cần phải nhìn là ngành chế biến gỗ là ngành kinh tế môi trường, vì nó kích thích người dân trồng rừng. Giả sử muốn họ khai thác trong một năm thì họ cần phải trồng trong 9 năm, tức 9 năm trái đất được phủ xanh, và gỗ càng có giá trị thì càng cần phải trồng lâu, khai thác khoa học. Hiện nay ở Việt Nam còn 14 triệu héc ta rừng, trong đó có 11 triệu héc ta rừng tự nhiên, và ba triệu héc ta rừng trồng.
Nếu xuất khẩu gỗ của Việt Nam tăng thì tỉ lệ che phủ rừng tăng. Hiện có 1,4 triệu hộ gia đình đang trồng rừng 7,6 ngàn lô rừng. Nếu tính trung bình mỗi hộ có ít nhất 1 người đi làm thì tương đương với 1,4 triệu lao động có việc làm, chưa kể lao động trong các ngành phụ trợ rất lớn, có sức lan tỏa trong xã hội. Trong ngành này, năng suất trung bình của một lao động trên thế giới là 5.600 đô la Mỹ, tại Việt Nam là 23 ngàn đô la Mỹ, tức là cao hơn nhiều, cho dù vẫn còn rất xa so với Ý (165 ngàn đô la Mỹ).
Trên thế giới, ngành gỗ rất được quan tâm, vì đây là mảng vật liệu tái tạo được và không hại tới môi trường. Ví dụ ở Mỹ, nơi cung cấp nguồn gỗ chủ yếu cho các sản phẩm của AA, rừng ngày càng nhiều hơn, vì nếu doanh nghiệp muốn khai thác gỗ trong rừng tự nhiên, thì khi lấy một cây, họ phải trồng lại ba cây. Khác với các nguồn nguyên liệu khác, khai thác gỗ giúp cho môi trường, nếu biết cách làm và làm đúng. Thách thức lớn nhất hiện nay với các doanh nghiệp gỗ của Việt Nam là nguồn gốc sản phẩm phải rõ ràng, không sử dụng gián tiếp hoặc trực tiếp khai thác từ rừng tự nhiên. Với người tiêu dùng, họ luôn phải đặt câu hỏi về nguồn gốc sản phẩm gỗ khi mua hàng.
(Bài viết đăng trên Forbes Vietnam số 62, tháng 7.2018/ Tác giả: Khổng Loan)
IPICK.VN