Giờ đây 4 từ “thiết kế nội thất” không chỉ gói gọn trong không gian nhà ở mà còn được mở rộng ra không gian làm việc (văn phòng, công ty, showroom, bệnh viện) hoặc các cửa hàng (nhà hàng, café, spa, shop áo quần…) Các chủ đầu tư đã quan tâm đến không gian kinh doanh của mình hơn rất nhiều. Đây là “mảnh đất” vô cùng màu mỡ cho giới thiết kế nội thất trở về nước làm việc sau tốt nghiệp.
Phân biệt Thiết kế nội thất và Trang trí nhà cửa
Sự khác biệt giữa nhà thiết kế nội thất (interior designer) và nhà trang trí (decorator) rất đơn giản. Một nhà thiết kế nội thất sẽ góp mặt vào dự án xây dựng ngay từ đầu, họ bắt tay với kiến trúc sư để đề ra những ý tưởng kết hợp giữa ánh sáng, âm thanh cùng nhiều yếu tố khác với mục đích sau cùng là khai thác tối đa công năng của căn phòng. Do đó, nhà thiết kế nội thất phải nắm vững kiến thức về kỹ thuật lẫn thẩm mỹ.
Trong khi đó, một nhà trang trí không nhất thiết phải qua trường lớp bài bản. Họ tập trung đến yếu tố thẩm mỹ thông qua đồ đạc, màu sắc, kiểu vải, mô-típ trang trí… nhằm tạo nên dấu ấn riêng cho người chủ không gian.
Nội dung các khóa học Thiết kế nội thất
Nhìn chung, ngành thiết kế nội thất thường được giảng dạy trong chuyên ngành Trang trí nội ngoại thất, thuộc khoa Mỹ thuật công nghiệp của các trường Đại học trong nước. Còn ở nước ngoài, ngành này thường được xếp trong các nhóm ngành Nghệ thuật sáng tạo và thiết kế.
Khi theo học Thiết kế nội thất, bạn sẽ được trang bị các kiến thức cần thiết cho quá trình tư vấn, thiết kế, thi công nội thất (Vật liệu, Lịch sử ngành nội thất, Vẽ, Màu, Quản lý, Lý thuyết và Ứng dụng màu sắc, Phối cảnh, Thiết kế ánh sáng, Vật liệu bề mặt)… đặc biệt là không thể thiếu những môn học giúp học viên trau dồi kỹ năng thiết kế trên máy tính (Thiết kế 3D, 2D CAD/AutoCAD).
Ở bậc Thạc sĩ, một số trường có thể đưa vào những môn học chuyên sâu hơn như: Hệ thống xây dựng và chi tiết nội thất, Sinh thái học trong thiết kế…
Để biết được khóa học có phù hợp với bạn không, tốt nhất bạn nên vào website chính thức của trường và tìm hiểu phần giới thiệu cấu trúc khóa học để nắm thông tin chi tiết.
Các chuyên ngành chính
Thiết kế nội thất thường được chia thành hai nhóm chuyên ngành tương đương với hai loại hình không gian phổ biến là Thiết kế nhà ở và Thiết kế thương mại.
Đúng như tên gọi, thiết kế nội thất nhà ở chuyên thiết kế không gian sống tại những ngôi nhà đã tồn tại hoặc sau khi tu sửa. Một số bạn có thể đi chuyên sâu chỉ ở một số loại phòng nhất định trong nhà như bếp/phòng tắm/ phòng để tủ áo…
Thiết kế nội thất thương mại có phần đa dạng hơn, bởi vì bên cạnh thiết kế các không gian làm việc, còn có trường học, ngân hàng, quán xá, khách sạn, nhà hàng, spa… Nếu muốn chuyên môn hóa kiến thức, bạn có thể chỉ tập trung vào một “lãnh địa” riêng như thiết kế các không gian y tế hay thiết kế khu nghỉ mát chẳng hạn.
Điểm mặt cơ sở nổi bật theo từng quốc gia
Trên thế giới, những nước như Anh, Ý, Mỹ, Canada, Hà Lan… vốn đã có nhiều kinh nghiệm trong việc đào tạo những nhà thiết kế nội thất tên tuổi. Những trường xếp hạng đầu theo từng quốc gia có thể kể đến là Ý, với Florence Design Academy (Florence, Ý). Tại đây, nhà trường áp dụng những phần mềm mới nhất, bao gồm Autocad, 3D Studio MAX, Adobe Suites vào nội dung đào tạo, bên cạnh đó tạo điều kiện để sinh viên tham gia vào các cuộc thi thiết kế nội thất quốc tế để tích lũy kinh nghiệm.
Trong khi đó, tại Vương quốc Anh, cụ thể là ở The Interior Design School (London), nhà trường nhấn mạnh phương pháp vẽ tay đến bản vẽ xây dựng hoàn chỉnh, từ ánh sáng đến vải vóc và các yếu tố khác trong thiết kế nội thất. Môi trường học tập được trang bị các phần mềm tân tiến nhất cho đến thư viện chuyên ngành, sách báo, tạp chí thiết kế nội thất hàng đầu và lớp học có sự kết hợp giữa sách phác thảo, bảng vẽ và máy vi tính Mac Pro. Một số trường có các khóa đào tạo Thiết kế nội thất bậc sau cử nhân nổi bật ở Anh là University for the Creative Arts, University of the Arts London, National Design Academy…
Vancouver College of Art and Design ở Canada lại chú trọng vào yếu tố thực hành, với việc đưa vào những khái niệm thiết kế đa dạng về màu sắc, ánh sáng, không gian, bản vẽ… Qua đó, giúp sinh viên xây dựng portfolio ngay trong quá trình học.
Hà Lan là một lựa chọn sáng giá, bởi cộp mác “Thiết kế Hà Lan” đã chóng phổ biến ngay từ những năm 1980. Với các công ty hàng đầu hiện nay như OMA và MVRDV, kiến trúc Hà Lan đã trở thành thương hiệu được biết đến rộng rãi thông qua những công trình ở châu Âu, Bắc Mỹ, và đặc biệt là Trung Quốc.
Ngoài Học viện Thiết kế Eindhoven (Design Academy Eindhoven) được đánh giá là một trong những học viện thiết kế tốt nhất thế giới thì Gerrit Rietveld Academie, Royal Academy of Art (The Hague), Utrecht School of the Arts và Amsterdam School of the Arts cũng là những trường đại học dẫn đầu về ngành thiết kế nội thất ở xứ sở của những chiếc cối xay gió.
Một số học phí tham khảo
Chi phí theo học các khóa Thiết kế nội thất có sự chênh lệch lớn giữa lựa chọn về điểm đến, hay đôi khi cùng trong một quốc gia nhưng giữa các trường cũng đã có khác biệt đáng kể về chi phí.
Chẳng hạn, chương trình Cử nhân Thiết kế nội thất ở Đại học Monash (Úc) có mức học phí cho kỳ nhập học năm 2017 là 28,900 đô la Úc/năm (khoảng 490 triệu đồng). Trong khi đó, cũng nội dung khóa học với thời gian học kéo dài tương tự, mức học phí của Đại học Miami (Mỹ) là khoảng 35,638 đô la Mỹ/năm (khoảng 800 triệu đồng).
Các trường ở châu Âu có học phí có phần “dễ chịu” hơn. Chẳng hạn, Florence Design Academy, áp dụng mức học phí khoảng 6000 euros/năm. Còn ở Design Academy Eindhoven, học phí Thạc sĩ của năm 2016/2017 cho sinh viên quốc tế (ngoài châu Âu) rơi vào khoảng 14.000 euros/năm.
Tất nhiên những con số trên đây chỉ đóng vai trò tham khảo. Còn tùy vào cấp học, trường và điểm đến du học mà chi phí du học của bạn sẽ có sự chênh lệch lớn.
Vị trí việc làm sau khi ra trường
Dưới đây là những vị trí bạn có thể thử sức với tấm bằng thiết kế nội thất trong tay:
-
Kiến trúc sư/ Thiết kế kiến trúc/ Xây dựng
-
Người lên kế hoạch trang trí nội thất
-
Nhà thiết kế nội thất
-
Nhà trang trí nội thất hoặc điều phối nội thất
-
Kỹ sư sắp xếp bố cục
-
Nhà thiết kế CG/ Kỹ sư CAD
-
Nhà tư vấn về ánh sáng
-
Nhà tư vấn về kiến trúc
-
Nhà điều phối màu sắc
-
Chuyên gia về nhà bếp
-
Điều phối viên môi trường nhà ở
-
Kỹ sư bộ phận thương mại
Rất nhiều sinh viên tốt nghiệp Thiết kế nội thất chọn đầu quân cho các công ty nước ngoài để đúc rút kinh nghiệm và chuẩn bị tài chính cho những kế hoạch cá nhân về sau, chẳng hạn như lập công ty riêng hay thậm chí là học lên cao hơn.
Nếu không, bạn cũng có thể đi theo hướng sư phạm, đi dạy hoặc tham gia vào các sở ban ngành hoạt động trong mảng quy hoạch, kiến trúc, tài nguyên môi trường.
Trau dồi kiến thức và”bắt”cảm hứng từ bây giờ!
Ngoài kiến thức giờ lên lớp, bạn cần tìm đến các đầu sách, trang web, blog chuyên ngành để trau dồi thêm (Houzz, Arch Daily, Old Brand New, Amber Interiors…) Nếu có thời gian, hãy thử xin làm thêm tại các cửa hàng tư vấn, kinh doanh, thiết kế nội thất để có thêm kinh nghiệm đồng thời mở rộng các mối quan hệ. Nếu được thực tập hoặc làm việc với những nhà thiết kế nước ngoài thì đây sẽ là cơ hội rất lớn để tiếp xúc với một lối tư duy, cung cách làm việc chuyên nghiệp.
Bạn cũng có thể “follow” các kênh thông tin của những NTK tên tuổi trong giới để tham khảo những công trình của họ. Trong số các nhà thiết kế nội thất tiếng tăm người Việt Nam, có thể kể đến NTK Thái Công, một Việt kiều Đức vốn đã lừng danh thế giới trong lĩnh vực này.
Cuối cùng, nếu có cơ hội và khả năng tài chính thì hãy mạnh dạn đầu tư cho việc du lịch để quan sát, tìm kiếm cảm hứng từ thiết kế nội thất của các nước bạn. Ngay cả những quốc gia “loanh quanh” Việt Nam như Thái Lan, Singapore và xa hơn là những đất nước có bề dày thiết kế nổi trội như Anh, Mỹ, Pháp…
HOTCOURSES.VN