THIẾT KẾ NỘI THẤT – Nghề “Thời Thượng” dành cho những người đam mê sáng tạo
Các chuyên gia thiết kế nội thất thường hay nói: “Hãy cho tôi xem ngôi nhà bạn ở, tôi sẽ nói bạn là người như thế nào”
Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về chất lượng cuộc sống cũng ngày càng được nâng cao. Ngày nay, gia chủ không chỉ quan tâm đến độ bền vững của ngôi nhà mà họ còn chú trọng nhiều hơn đến mức độ tiện nghi, tính hợp thời của không gian sống, và mong muốn một không gian sống thể hiện cá tính riêng của chính mình. Đây đang là xu hướng chung của xã hội và điều đó khiến nghề thiết kế nội thất trở nên đắt giá hơn bao giờ hết. Nếu như kiến trúc sư công trình được ví von như người sinh ra một cơ thể sống thì các nhà thiết kế nội thất là người “thổi hồn”, tô điểm để cơ thể sống đó trở thành một con người đẹp đẽ với diện mạo mới.
Vì vậy, trong những năm gần đây, thiết kế nội thất là ngành học thu hút nhiều bạn trẻ yêu thích sự sáng tạo và không ngừng “quăng” mình vào thử thách.
Thiết kế nội thất (TKNT) là sự tổng hợp của nghệ thuật và khoa học kỹ thuật, có mối tương quan chặt chẽ với các ngành thiết kế khác như kiến trúc, phát triển đô thị, cảnh quan… Thiết kế nội thất là một nghề “đắt sô” bởi không gian nội thất được đòi hỏi phải đổi mới liên tục, vì vậy mà tạo ra nguồn công việc gần như không bao giờ cạn cho các nhà thiết kế. Hiện nay, ngành thiết kế nội thất đang cần một lượng lớn nguồn nhân lực đủ trình độ chuyên môn và khả năng ngoại ngữ để đáp ứng cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành nói chung và xã hội nói riêng.
1. Chuyên gia thiết kế nội thất – Nhà “ảo thuật” không gian sống
Khác với kiến trúc sư hay kỹ sư xây dựng, trong lĩnh vực xây dựng chuyên gia thiết kế nội thất là người chịu trách nhiệm chính trong việc kiến tạo nên không gian sống hài hòa, giàu tính nghệ thuật, đồng thời tạo sự thoải mái, tiện nghi cho người sử dụng. Với mỗi công trình, bên cạnh cấu trúc bền vững của công năng, người thiết kế nội thất đóng vai trò quan trọng, là người “thổi hồn” vào không gian sống, đem đến giá trị sống mới cho khách hàng.
Để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, nhà thiết kế nội thất cần trang bị kiến thức tổng hợp về khoa học kỹ thuât, nghệ thuật, tâm lý, kinh tế, xã hội… Đây là nền tảng giúp nhà thiết kế nội thất lựa chọn vật liệu công trình phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và xu thế kiến trúc đương đại. Bên cạnh đó, nhà thiết kế nội thất chuyên nghiệp cũng cần nắm bắt tâm lý khách hàng, có óc quan sát, sáng tạo không ngừng và luôn cập nhật xu hướng mới của thế giới.
2. Ngành kiến trúc nội thất không phải có năng khiếu mới học được, chỉ là nếu có năng khiếu thì thuận lợi hơn chút
Thứ nhất nghề kiến trúc nội thất là công việc thiết kế một không gian, một giải pháp cụ thể về không gian đáp ứng yêu cầu về công năng và thẩm mỹ. Một khi đó là giải pháp thì tất yếu có những nguyên tắc chung, kiến thức chung để nhiều người học hỏi và vận dụng, không phải có năng khiếu mới nghĩ ra.
Thứ hai, trong ngành kiến trúc nội thất bên cạnh yếu tố mỹ thuật còn có yếu tố kỹ thuật, hai yếu tố này quan trọng như nhau. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh người có năng khiếu lại kém hơn về khả năng tư duy kỹ thuật, phân tích, lập luận…(người trội não trái hơn não phải), còn người kém năng khiếu hội họa thì lại có các khả năng này tốt hơn.
Trong thực tế làm việc một nhà thiết kế nội thất có thể thiết kế mặt thẩm mỹ kém hơn nhưng họ nắm chắc về kỹ thuật, công năng, vật liệu, quy trình thi công, đảm bảo tính chính xác khi thi công, đem lại những giải pháp kỹ thuật hiệu quả chắc chắn…thì luôn tạo ra sự yên tâm cho khách hàng hơn so với một nhà thiết kế kiến trúc nội thất chỉ biết làm đẹp trên bản vẽ, công trình được thi công cuối cùng mới là kết quả chính xác thể hiện khả năng.
Đó là lý do người có năng khiếu và người không có năng khiếu đều có cơ hội học và làm ngành kiến trúc nội thất.
3. Thiết kế nội thất – Nghề đắt hàng và thiếu người
Một trong những yếu tố khiến nghề này trở nên “thời thượng” đó là dễ xin việc, thu nhập không giới hạn con số. Không gian của mỗi ngôi nhà, mỗi căn phòng mà họ tạo ra là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, chưa từng có và nó được tạo ra bởi sự sáng tạo tự do của nhà thiết kế nội thất.
Cô Trần Thu Hà, Phó trưởng khoa Nội thất, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM đánh giá: ” nghề TKNT hiện nay khá phát triển, nhất là trong lĩnh vực thiết kế thương mại, quán café và văn phòng và nghề thiết kế nội thất trở thành nghề hot. Đặc biệt, khi đời sống phát triển, loại hình căn hộ, nhất là căn hộ cao cấp xuất hiện ngày càng nhiều, càng có nhiều người quan tâm đến TKNT cho nhà ở. Trước đây, kiến trúc sư thường đảm nhận cả kiến trúc lẫn nội thất nhưng ngày nay, chủ nhà đòi hỏi nội thất không chỉ đẹp mà phải thể hiện cái gu thẩm mỹ riêng, đòi hỏi phải có người chuyên về TKNT đảm nhận.
Một trong những yếu tố khiến nghề này trở nên “thời thượng” đó là dễ xin việc, thu nhập không giới hạn con số. Không gian của mỗi ngôi nhà, mỗi căn phòng mà họ tạo ra là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, chưa từng có và nó được tạo ra bởi sự sáng tạo tự do của nhà TKNT.”
Chỉ nói vậy thôi cũng đã đủ khiến cho nhiều bạn trẻ say mê công việc này rồi. Lương khởi điểm đối với sinh viên ngành TKNT dao động từ 9-15 triệu đồng/tháng, nhiều bạn có khả năng, giỏi ngoại ngữ có thể nhận được mức lương tại các công ty nước ngoài từ 800-1000 USD/tháng, riêng đối với cấp quản lý trong ngành TKNT, lương có thể lên đến 2.500 USD/tháng.
4. Để trở thành một chuyên gia thiết kế, trang trí nội thất bạn cần những gì?
Yếu tố đầu tiên cần phải có đó là thẩm mỹ cao. Khả năng phối màu sắc và bày trí theo không gian cũng như thiết kế các vật liệu sao cho phải đảm bảo sự hài hòa với kiến trúc tổng thể lại vừa mang tính mỹ thuật cao cho công trình là điều sẽ quyết định bạn có phải là một dân nội thất chuyên nghiệp hay không.
Yếu tố thứ 2 quan trọng không kém đó là sự sáng tạo, khả năng quan sát, tìm tòi và học hỏi những xu hướng mới, chất liệu mới của thế giới để đảm bảo luôn mang lại cho khách hàng những mẫu thiết kế mốt nhất, sành điệu nhất.
Kỹ sư Huỳnh Ngọc Thanh Bình làm việc ở một công ty tư vấn giám sát thuộc Bộ Xây dựng nhận định: “Trong lĩnh vực xây dựng, TKNT là một trong những ngành đắt giá. Nếu kiến trúc sư là người phác thảo những nét tổng quan của công trình thì chuyên viên TKNT là người phác họa chi tiết cho công trình đó.
Người TKNT phải nắm vững được kết cấu, bố cục của công trình để phác thảo chi tiết nội thất bên trong cũng như cách bố trí các phòng sao cho vừa hợp lý, vừa đẹp. Do đó, người TKNT cần có óc sáng tạo và thẩm mỹ, có sự nhạy bén trong cách chọn lựa chất liệu, xu thế trang trí nội thất.”
Một trong những yếu tố nữa cũng cần cho người thiết kế nữa như anh Lê Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Cổ phần thiết kế Đông Dương cho biết: “Làm nghề này phải là người sành điệu. Vì khách hàng đều là những người có điều kiện kinh tế, có hiểu biết, nên mình phải hiểu biết hơn khách hàng trong lĩnh vực mà mình làm. Có trình độ, hiểu biết, có khả năng chuyên môn mình mới có được lòng tin của khách hàng”. “Người sành điệu” trong nghề TKNT nghĩa là luôn nắm được xu hướng mới của thế giới, đặc biệt là việc hiểu về các chất liệu mới trên thị trường. Bên cạnh đó, anh Tuấn nhấn mạnh: “Một người TKNT muốn giỏi phải là một người đi đây đi đó nhiều, đặc biệt là đi nước ngoài và luôn luôn quan sát”.
Họa sĩ có thể làm việc một mình và có thể hoàn thành tác phẩm của mình không cần sự hợp tác của người khác. Trang trí nội thất thì khác hoàn toàn – bạn phải làm việc với kiến trúc sư công trình, các kỹ sư chuyên ngành, các nhà cung cấp vật liệu và ngay cả công nhân thi công hay sản xuất… Vì vậy kỹ năng làm việc cộng tác, giao tiếp và phối hợp với nhiều ngành nghề khác để công việc được triển khai nhẹ nhàng, đúng tiến độ và đạt chất lượng cũng cần được bạn rèn luyện.
Nếu kiến trúc sư là người phác thảo những nét tổng quan của công trình thì người thiết kế nội thất là người phác họa chi tiết cho công trình đó. Theo ý kiến đánh giá của các chuyên gia đầu ngành và các nhà thiết kế trẻ thành công trong lĩnh vực thiết kế nội thất thì những yếu tố cần có để thành công với nghề chính là:
– Khiếu thẩm mỹ cao
– Khả năng quan sát và sáng tạo
– “Sành điệu” – nắm bắt được xu hướng mới, chất liệu mới
– Kỹ năng làm việc cộng tác, giao tiếp và phối hợp với nhiều ngành nghề khác: kiến trúc sư công trình, nhà cung cấp vật liệu, đội ngũ thi công…
TKNT là nghề đắt giá trong giới trẻ và đang “khát” nhân lực nhưng để thật sự nắm được “vàng” trong lĩnh vực này đòi hỏi người thiết kế cần phải hội tụ đủ những yếu tố trên để thành công với nghề.
5. Cơ hội nghề nghiệp của ngành Thiết kế nội thất?
Ngành TKNT đang khát nhân lực nên việc kiếm việc làm không hề khó, thậm chí nhiều công ty không cần bạn đã tốt nghiệp mà sẵn sáng nhận bạn ngay từ khi bạn còn học trong trường. Còn mức lương thì sao, lương cho nhà thiết kế nội ngoại thất từ 9-30 triệu tùy khả năng, kinh nghiệm và đây là mức lương cao trong mặt bằng các ngành nghề tại Việt Nam. Nghề thiết kế nội thất có công việc tự do khá nhiều nên bạn có nhiều cơ hội làm dự án ngoài để có thu nhập bên cạnh một công việc ổn định tại công ty.
Sau khi tốt nghiệp ngành TKNT sinh viên có thể làm chuyên viên thiết kế nội – ngoại thất của các dự án: nhà ở, biệt thự, chung cư, khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại… tại các công ty kiến trúc – xây dựng hoặc tự thành lập công ty riêng hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, tư vấn thiết kế và kinh doanh các hạng mục và sản phẩm trang trí nội – ngoại thất…
6. Học thiết kế nội thất tại BVU
Tại BVU bạn sẽ tích luỹ kiến thức thông qua quá trình làm đồ án và va chạm với những dự án thực tế. Đây là bước đệm đầy tiềm năng cho con đường sự nghiệp lâu dài của sinh viên đối với nghề thiết kế nội thất.
Trải nghiệm một môi trường học tập mới – Ngoài việc cung cấp những kiến thức, hỗ trợ chuyên ngành, thì việc học tập tại thành phố Vũng Tàu với hơn 60 dự án nghỉ dưỡng từ 3 sao trở lên là nơi tuyệt vời để tiếp xúc với những thiết kế nội thất đẳng cấp và hoạt động nghề sôi nổi. Ngoài ra với lợi thế của thành phố du lịch, đây là nơi diễn ra những hoạt động giúp phát triển nhận thức về nghệ thuật, thiết kế và sáng tạo nhằm giới thiệu văn hóa đến cho du khách như: thi thiết kế sáng tạo, triển lãm nghệ thuật,…
Sau tốt nghiệp các bạn sẽ có được tư duy làm việc thông minh, có khả năng giải quyết vấn đề, nâng cao óc thẩm mỹ – sự sáng tạo.
Đảm bảo phương châm đào tạo “Truyền cảm hứng, chia sẻ kiến thức, hướng dẫn kỹ năng thực hành và nuôi dưỡng tình yêu với nghề “. Đây là nơi dành cho những người yêu thích nghệ thuật, thiết kế và sáng tạo.
ThS. Phạm Thị Ngọc Minh (Ngành CNKTCT Xây dựng, Viện Kỹ thuật – Kinh tế biển)
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC
BVU.EDU.VN