Home / Mẫu cổng nhà / Quá trình biến đổi không gian kiến trúc nhà ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ

Quá trình biến đổi không gian kiến trúc nhà ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ

Nhà ở nông thôn (NONT), hay còn gọi nhà ở dân gian, có nhiều giá trị kiến trúc và mang bản sắc văn hóa kiến trúc truyền thống rất đáng được lưu giữ, bảo tồn và phát triển. Giá trị bậc nhất mà kiến trúc NONT mang lại là sự thân thiện với môi trường, thích ứng với khí hậu, tạo nên sự khác biệt về kiến trúc dân gian của mỗi địa phương.

Vùng đồng bằng Bắc bộ (ĐBBB), cái nôi văn hóa kiến trúc truyền thống của người Việt, một dân tộc lâu đời, có dân số lớn nhất trong 54 dân tộc anh em (chiếm tới 86,2% tổng dân số toàn quốc) [6]. Đồng thời người Việt cũng là một trong những dân tộc giàu sức sáng tạo về tổ chức không gian nhà ở truyền thống. Do đó, khi nghiên cứu về kiến trúc NONT, chúng ta tập trung giới hạn nghiên cứu về NONT của người Việt tại vùng ĐBBB và nghiên cứu chuyên sâu về hai vấn đề của không gian kiến trúc, đó là khuôn viên ngôi nhà và không gian nhà ở.

Việc nghiên cứu một cách hệ thống quá trình biến đổi không gian NONT vùng ĐBBB là cần thiết nhằm tìm ra quy luật vận động khách quan của không gian kiến trúc NONT. Từ đó, chúng ta có thể đề xuất các giải pháp kiến trúc NONT trong tương lai một cách đúng đắn, hiệu quả, phù hợp quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng hiện đại, văn minh và giữ gìn bản sắc kiến trúc và giá trị văn hóa truyền thống.

Quá trình biến đổi không gian kiến trúc nhà ở nông thôn.

Thực tế cho thấy, đối với không gian kiến trúc NONT ngoài những yếu tố ảnh hưởng tác động đến từ khách quan, thì chủ quan nội tại cũng biến đổi theo quy luật tự nhiên. Quá trình xây dựng phát triển kiến trúc NONT đều gắn liền với môi trường thiên nhiên và điều kiện kinh tế – xã hội. Để có tính kế thừa và mang tính lịch sử, chúng ta chia quá trình phát triển của NONT thành các giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn xã hội nguyên thủy:

Từ thời kỳ đồ đá cũ (khoảng 2,5 vạn năm – 1 vạn năm tr.CN) kéo dài đến thời kỳ đồ đá mới (khoảng 1 vạn năm – 3.000 năm tr.CN) vùng phía Nam ĐBBB có nền văn hóa Tràng An là một trong những nền văn hóa lâu đời nhất tại Việt Nam, lúc đầu cha ông chúng ta ở tản mạn trong các hang động đá vôi ven sông, suối, chưa biết tạo dựng không gian ở cho mình, sinh sống bằng hái lượm và săn bắt. Sau đó dần tập trung về trung du vùng ĐBBB và sinh sống quần cư thành các làng mạc. Đến trước thời kỳ đồ đồng (khoảng 3.000 năm tr.CN) nhà ở vùng ĐBBB đã có những bước tiến vượt bậc trong cấu trúc làng, xã cũng như tổ chức không gian nhà ở. Tuy nhiên, do ngôi nhà ở vùng ĐBBB ảnh hưởng bởi nền nông nghiệp lúa nước của người Lạc Việt nên nhà ở chủ yếu là nhà sàn. Căn cứ vào hình ảnh còn lưu lại trên mặt trống đồng thuộc văn hóa Đông Sơn, chúng ta thấy có 2 loại hình kiến trúc là nhà sàn mái cong hình thuyền và nhà sàn mái hình tròn [6]. Nhà sàn có mái cong hình thuyền, hai đầu mái có hoa văn trang trí, có hai cột chống, ở giữa có bố trí thang để lên sàn (giống nhà sàn hiện nay). Nhà mái hình tròn bố trí một cửa ở giữa, hai bên có phên chắn trang trí, hai nóc mái cong trang trí hai hình tròn khác nhau, có hai cột chống ở hai đầu ngôi nhà. Nhà mái tròn có thể sử dụng cho sinh hoạt tín ngưỡng, cộng đồng (Hình 1). Như vậy, một thời gian dài nhà ở dân gian người Việt chủ yếu là loại nhà sàn tựa trên cột, đây là loại nhà phù hợp với môi trường tự nhiên vùng châu thổ.

cong-nha-dep-o-nong-thon-17a07075-tckt-2-380x247

Nhà sàn hình mái tròn
cong-nha-dep-o-nong-thon-17a07075-tckt-1-380x247
Nhà sàn hình mái thuyền
  • Giai đoạn xã hội phong kiến và thời kỳ Pháp thuộc trước 1954:

cong-nha-dep-o-nong-thon-17a07075-tckt3

Hình 2: Kết cấu vì kèo của nhà lều cỏ

Giai đoạn này kéo dài từ cuối thế kỷ 1 đến giữa thế kỷ 20, do kiều kiện xã hội nên nền kinh tế – xã hội chủ yếu phục vụ cho chế độ quân chủ. Vì vậy đất đai đều thuộc quyền chiếm hữu của vua, chúa, quan lại và địa chủ.

NONT vùng ĐBBB đã biến đổi hoàn toàn từ nhà sàn chuyển sang nhà đất, từ đó về tổ chức không gian cũng đã thay đổi cho phù hợp với phương thức sản xuất mới, thân thiện, gắn kết với môi trường tự nhiên. Nhà ở dân gian giai đoạn này được phân ra làm hai nhóm: Nhóm nhà ở trung lưu, giàu có như quan lại, địa chủ và nhóm nhà ở dân nghèo. Nhà ở người nghèo chủ yếu sử dụng vật liệu như tre, nứa, lá để làm nhà dạng nhà lều, mái và vách tường lợp bằng tranh kết từ lá, cỏ (Hình 2). Khuôn viên nhà ở người nghèo thường có diện tích đất nhỏ dưới một sào (1 sào = 360m2), nhà ở từ 1-2 gian kết hợp với bếp nấu. Nhìn chung, nhà ở người nghèo có hình thức và công năng đơn giản, không có nhiều giá trị về kiến trúc.

Nhà ở dành cho giới trung lưu thường có khuôn viên sân vườn rộng hàng mẫu đất (1 mẫu = 3.600m2), xung quanh có hàng rào, cổng xây bằng gạch đất nung, có mái lợp ngói hoặc hàng rào trồng cây dâm bụt, cây chè mạn, đan xen là cây lấy gỗ, cổng ra vào trồng cây vòm xén tỉa. Bên trong khuôn viên từ cổng vào ở hướng Nam có vườn trồng cau, ao rộng nuôi cá, kế đến là sân lát gạch, phía sau nhà chính là vườn chuối, vườn cây ăn quả và cây lấy gỗ kết hợp với chuồng trại chăn nuôi và nhà vệ sinh; hai bên nhà chính là các nhà phụ, giếng nước và vườn rau. Ngôi nhà ở dân gian thường bố trí ở giữa khu đất, tổ hợp giữa nhà chính và nhà phụ thông thường theo bốn hình thức: hình chữ nhất, hình thước thợ, hình chữ đinh và hình chữ môn (Hình 3).

cong-nha-dep-o-nong-thon-17a07075-tckt-3-380x247

Nhà chữ nhất
cong-nha-dep-o-nong-thon-17a07075-tckt-4-380x247
Nhà chữ đinh
cong-nha-dep-o-nong-thon-17a07075-tckt-5-380x247
Nhà chữ môn
cong-nha-dep-o-nong-thon-17a07075-tckt-6-380x247
Nhà hình thước thợ

Ghi chú:
1. Nhà chính; 2. Nhà phụ; 3/ Sân phơi; 4. Cổng; 5. Ao cá; 6. Chuồng chăn nuôi; 7. Nhà vệ sinh; 8. Vườn; 9. Bể cảnh, non bộ, bình phong; 10. Giếng nước.
Hình 3: Một số giải pháp bố trí khuôn viên NONT

Nhà chính từ 5-7 gian, kết cấu chịu lực vì kèo gỗ 6 cột chạm khắc với các đường nét tinh xảo, các bộ vì kèo hay dùng là vì kèo suốt – giá chiêng, vì kèo trước kẻ – sau bẩy, vì kèo kẻ truyền – giá chiêng, vì kèo chồng rường hoặc kết hợp các bộ vì khác nhau trong cùng một ngôi nhà. Vật liệu xây bằng đá, gạch đất nung, gỗ, vách tường gỗ hoặc gạch xây, mái lợp ngói mũi 2 lớp. Về tổ chức không gian nhà ở, gian giữa là gian thờ cúng tổ tiên, các gian bên bố trí không gian tiếp khách và nơi ngủ cho đàn ông, gian buồng bố trí nơi ngủ cho đàn bà, con gái. Nhà phụ bố trí bếp nấu, phòng ăn, chỗ ngủ của ông bà, nơi để nông cụ sản xuất, cối xay giã gạo và nơi làm nghề phụ lúc nông nhàn.
Ngoài không gian sân, vườn, mặt nước, cây xanh góp phần tạo nên cảnh quan NONT, còn có không gian hiên đón rất quan trọng trong việc tạo lập môi trường vi khí hậu. Là không gian chuyển tiếp giữa sân và trong nhà, hiên có nhiệm vụ ngăn gió lạnh mùa đông và giảm bức xạ mặt trời vào mùa hè làm cho không gian nhà ở luôn giữ được nhiệt độ tiện nghi cho con người.

cong-nha-dep-o-nong-thon-17a07075-tckt-7-380x247

Hình 4: Hình ảnh kiến trúc NONT bị ảnh hưởng bởi kiến trúc Pháp
cong-nha-dep-o-nong-thon-17a07075-tckt-8-380x247

Thời kỳ người Pháp xâm chiếm và đặt ách đô hộ lên nước ta từ cuối thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20, không gian NONT nhìn chung không có biến đổi nhiều. Tuy nhiên, hình thức kiến trúc và vật liệu đã có sự thay đổi. Về hình thức kiến trúc, do quan chức nghỉ hưu hoặc người giàu mang mẫu thiết biệt thự kiến trúc Pháp về làng xây dựng theo kiểu nhà vườn. Do không làm nông nghiệp nên khuôn viên ngôi nhà đã bỏ bớt một số không gian như chuồng chăn nuôi, nhà vệ sinh đưa vào gần không gian ở, bổ sung thêm gara ô tô, hồ bơi, sân chơi, vườn dạo. Ngoài ra, một số người dân lên thành phố buôn bán giàu có mang hình thức kiến trúc Pháp về phối với kiến trúc dân gian truyền thống tạo nên một số hình thức kiến trúc lai tạp. Về vật liệu đã có bê tông, sắt thép và các trang thiết bị nội thất nhà ở hiện đại, xuất hiện NONT truyền thống kết hợp với hiên mái bằng (Hiên Tây), lan can hiên có đắp phào bê tông hoặc đắp hoa văn bê tông, kết cấu trong nhà vẫn là vì kèo gỗ chỉ 2 cột, phần còn lại tựa trên tường xây chịu lực, mái nhà lợp ngói (Hình 4), cửa ra vào không sử dụng của bức bàn theo truyền thống mà cánh cửa treo trên khuôn gỗ hoặc tường chịu lực. Nhìn chung, mặc dù ảnh hưởng của kiến trúc Pháp nhưng NONT giai đoạn này vẫn mang đậm cấu trúc không gian truyền thống, thân thiện với môi trường và đã mang lại những giá trị kiến trúc cho NONT vùng ĐBBB.

  • Giai đoạn hợp tác xã nông nghiệp tập trung từ 1954 đến 1986:

Giai đoạn này vùng ĐBBB tập trung xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, xây dựng hợp tác xã sản xuất tập trung. NONT đã biến đổi thêm một bước trong kết cấu và vật liệu, với chủ trương ngói hóa nông thôn, những ngôi nhà tranh, tre, nứa, lá đã được thay thế bởi các ngôi nhà tường xây gạch, mái lợp ngói.

Về tổ chức khuôn viên cũng như không gian nhà ở, giai đoạn này không biến đổi nhiều. Tuy nhiên, diện tích khu đất nhỏ hơn, bình quân chỉ còn khoảng 1-2 sào đất/hộ gia đình nên ao nuôi cá cũng thu hẹp hoặc không còn, vườn trồng rau, cây ăn quả cũng nhỏ hẹp lại. Về vật liệu, kết cấu và hình thức kiến trúc thay đổi nhiều. Kết cấu vẫn sử dụng bộ vì gỗ nhưng đơn giản hơn, bộ vì kèo không còn cột mà tựa trực tiếp lên tường gạch chịu lực, cột hiên cũng xây bằng gạch. Nhờ có vật liệu bê tông và cốt thép nên nhà ở kiểu hiên Tây đã thịnh hành, ba gian giữa và gian buồng làm phòng ngủ đổ mái bằng thò ra ngoài tạo thành hiên cụt (Hình 5), phần mái bằng tại gian này có thể làm 2 tầng với cầu thang lên tầng được neo vào tường ngoài.

  • Giai đoạn từ 1986 đến nay:

Giai đoạn đất nước đã đổi mới từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, nền kinh tế – xã hội nông thôn đã phát triển vượt bậc, kéo theo không gian NONT biến đổi nhanh chóng. Một số tác động đến không gian NONT như yếu tố kinh tế, phương thức sản xuất từ thuần nông đến kết hợp với sản xuất nghề thủ công, dịch vụ, thương mại và du lịch; yếu tố công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa; nhu cầu phát triển nhà ở do dân số tăng; nhu cầu tách hộ từ gia đình lớn “Đa thế hệ” thành gia đình nhỏ “hạt nhân”.

cong-nha-dep-o-nong-thon-17a07075-tckt-9-1

Hình 5: Một số hình ảnh NONT vùng ĐBBB giai đoạn 1954-1986 [Internet]
cong-nha-dep-o-nong-thon-17a07075-tckt-10
Hiện có hai hướng phát triển không gian NONT tại vùng ĐBBB:

+ Hướng thứ nhất, người dân có điều kiện kinh tế đang cố gắng giữ gìn không gian nhà ở nhằm mục đích thờ cúng tổ tiên, một số xây dựng nhà vườn nghỉ ngơi cuối tuần, theo hướng này các không gian NONT không biến đổi nhiều so với truyền thống trước đây;
+ Hướng thứ hai, không gian kiến trúc NONT đang biến đổi sang gia đình nhỏ với khuôn viên khu đất nhà ở ngày càng thu hẹp, diện tích tối đa tại các điểm dãn dân nông thôn chỉ còn 100m2/lô (chưa bằng 1/3 so với trước đây); diện tích chia lô để bán hoặc chia cho các con từ khu đất gia đình cũng chỉ bình quân từ 120-150m2/lô. Việc chia lô làm nhà ở tại nông thôn vùng ĐBBB đang là trào lưu và xuất hiện các dãy nhà “Phố làng” tại nông thôn. Hướng thứ hai này làm thay đổi cơ bản không gian truyền thống nên chúng ta tập trung phân tích để thấy rõ sự biến đổi của NONT.

  • Về không gian khuôn viên nhà ở: Khuôn viên NONT không còn mặt nước, sân vườn, nếu có thì diện tích cũng rất khiêm tốn; không còn không gian bốn phía như NONT truyền thống; hình thái ngôi nhà chỉ có duy nhất hình chữ nhất theo phương dọc.
  • Về công năng: Đã bỏ bớt một số chức năng không phù hợp và sắp xếp theo phương dọc thay phương ngang như trước đây. Các không gian chăn nuôi gia súc gia cầm không còn nữa, chuyển ra chăn nuôi tập trung; khu vệ sinh, nhà tắm chuyển dần sát vào không gian ở; không gian hiên đón không còn được chú trọng. Việc bố trí công năng NONT theo phương dọc như sau: đầu tiên là phòng khách, tiếp đến là các phòng ngủ, phòng bếp nấu, phòng ăn và khu vệ sinh. Nếu nhà 2 tầng thì tầng 2 bố trí các phòng ngủ và phòng thờ cúng.
  • Về kết cấu, phương thức xây dựng: Kết cấu chủ yếu nhà khung bê tông cốt thép; vật liệu dùng gạch, bê tông, thép, nhôm, kính, tôn để xây dựng nhà ở; phương thức xây dựng bán cơ giới và thi công tại chỗ khác với nhà ở truyền thống có thể tháo lắp được và thi công thủ công.
  • Về hình thức kiến trúc: Đã thay đổi hoàn toàn hình thức so với nhà ở truyền thống, giống với nhà lô phố trong các đô thị (Hình 6).

cong-nha-dep-o-nong-thon-17a07075-tckt-11

Hình 6: NONT vùng ĐBBB hiện nay

Dự báo hướng phát triển nhà ở nông thôn.

Căn cứ vào sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất kinh tế nông nghiệp nông thôn, sự thay đổi phương thức sản xuất, quá trình CNH – HĐH nông thôn, chúng ta có thể dự báo quá trình phát triển của NONT thích ứng với điều kiện tự nhiên, thân thận với môi trường và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế nông nghiệp như sau:

  • Nhà ở nhóm gia đình: Là nhóm nhà ở mà anh em họ hàng ruột thịt cùng sinh sống trên khu đất truyền thống xưa. Trung tâm của nhóm nhà ở này gồm có ngôi nhà truyền thống, sân phơi, giếng nước, bố trí xung quanh là các ngôi nhà ở thành viên kiểu khối ghép 2-3 tầng có mái dốc lợp ngói và mỗi gia đình có vườn cây, vườn trồng rau riêng. Ngôi nhà ở một tầng truyền thống được giữ lại vừa là nơi thờ cúng tổ tiên, vừa là nơi sinh hoạt chung, phòng truyền thống kết hợp thư viện đọc sách của các thành viên trong gia đình; Sân chung là nơi tổ chức các lễ cưới, lễ tang, phơi nông sản ngày mùa… cũng như nơi vui chơi giải trí cho các thành viên của gia đình; Giếng nước là nơi sinh hoạt chung, từ đây có thể bơm nước về bể chứa của mỗi gia đình sử dụng. Như vậy, với cấu trúc này, chúng ta sẽ giữ lại được hình thức và không gian truyền thống của NONT mà vẫn đáp ứng được điều kiện sinh hoạt theo gia đình nhỏ đồng thời giữ được nề nếp gia phong truyền thống của đại gia đình lớn. (Hình 7).

cong-nha-dep-o-nong-thon-17a07075-tckt-12

Hình 7: Nhà ở nhóm gia đình
  • Nhà vườn: Nhà vườn có các chức năng và cách tổ chức không gian giống như nhà biệt thự kết hợp với NONT truyền thống. Nhà vườn có thể xây dựng theo kiểu nhà truyền hoặc kiểu biệt thự 1-2 tầng. Đây là loại nhà ở rất có giá trị về mặt cảnh quan vì giữ được toàn bộ không gian cây xanh, mặt nước, sân vườn của NONT truyền thống. Nhà vườn nên có diện tích khuôn viên từ 350-500m2 trở lên.
  • Nhà ở dịch vụ thương mại kiểu nhà hàng phố: Nhà này thường nằm ở các trung tâm thị tứ, trung tâm làng, xã và cụm xã. Nhà ở có cách tổ chức không gian giống hệt nhà hàng phố và nhà phố cổ, có nghĩa là chuyển chức năng sử dụng theo phương ngang (2D) thành phương dọc và nâng theo chiều cao (3D). Diện tích khu đất xây dựng nhà dịch vụ thương mại nên từ 100m2 (5mx20m) như hiện nay là phù hợp.
  • Nhà ở liên kế có sân vườn: Nhà liên kế có cấu trúc không gian giống như nhà liên kế có sân vườn trong các đô thị. Tuy nhiên, đối với các đối tượng làm nông nghiệp nên quan tâm đến bố trí diện tích sân, vườn và nên đưa sân, vườn lên trên mái. Diện tích khuôn viên nhà liên kế cũng từ 100m2 -150m2 là phù hợp.
  • Nhà ở tập thể: là loại nhà ở dành cho đối tượng là công nhân nông nghiệp sau khi nông nghiệp đi vào sản xuất cánh đồng mẫu lớn theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao. Có hai loại nhà ở tập thể, nhà ở tập thể cao 2-3 tầng kiểu ký túc xá dành cho người độc thân và nhà ở tập thể kiểu khối ghép 2 tầng cho các hộ gia đình. Nhà ở tập thể sẽ bố trí thành các cụm, nhóm nhà ở với đầy đủ chức năng sinh hoạt và học tập, có nhà trẻ, mẫu giáo và gần với đồng ruộng để tiện làm việc.

4. Kết luận.

Có thể nói, không gian NONT biến đổi theo quá trình phát triển kinh tế – xã hội là đúng với quy luật tất yếu khách quan. Nếu chúng ta không can thiệp thì nó vẫn biến đổi theo nhịp sống của xã hội nhưng có thể đi chệch hướng, không đáp ứng điều kiện ở, sinh hoạt và phát triển kinh tế, phá vỡ cấu trúc môi trường tự nhiên, ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa kiến trúc truyền thống. Vì vậy cần có chính sách định hướng cho NONT phát triển một cách bền vững.

Nhà ở dân gian từ khi hình thành đến nay đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, từ giai đoạn nhà sàn kiểu bộ lạc đến nhà đất, từ không gian bố trí theo phương ngang (2D) phát triển thành phương đứng (3D), từ không gian cảnh quan bốn hướng của khuôn viên khu đất đến không gian phát triển theo một hướng.

cong-nha-dep-o-nong-thon-17a07075-tckt-13

Cổng làng (ảnh: Lê Bích)

Giai đoạn phát triển thịnh nhất của NONT phải kể đến giai đoạn xã hội phong kiến kéo dài gần 2000 năm lịch sử. NONT đã đạt được những giá trị kiến trúc về tổ chức khuôn viên khu đất, về tổ chức không gian nhà ở, khai thác tốt các yếu tố khí hậu tự nhiên, thân thiện hòa đồng với môi trường ở nông thôn.

cong-nha-dep-o-nong-thon-17a07075-tckt-14-1

Làng Cự Đà (ảnh: Lê Bích)

Dự báo trong tương lai tới tại nông thôn vùng ĐBBB sẽ xuất hiện những loại hình nhà ở như: nhà ở nông nghiệp truyền thống; nhà ở nông nghiệp thế hệ mới; nhà ở nhóm gia đình, dòng tộc; nhà ở kết hợp với làm nghề thủ công; nhà vườn; nhà ở dịch vụ thương mại kiểu nhà hàng phố; nhà ở tập thể khối ghép; nhà ở tập thể kiên kế.

Khi thiết kế xây dựng các loại hình NONT hiện nay cũng như tương lai, cần quan tâm chú ý đến việc lựa chọn hướng nhà; lựa chọn vật liệu xanh, vật liệu thân thiện với môi trường để tạo lập không gian ở; tạo các không gian trống trong nhà ở như sân trong, vườn, mặt nước; chú ý thông gió chiếu sáng tự nhiên để tiết kiệm năng lượng; tái tạo năng lượng tự nhiên như nước mưa, nước xám, năng lượng điện mặt trời, năng lượng nước nóng; tích hợp các trang thiết bị thông minh trong ngôi NONT; đảm bảo ngôi NONT phát triển bền vững theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu.

PGS.TS.KTS Nguyễn Đình Thi
Trường Đại học Xây dựng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10 – 2015)

TẠP CHÍ KIẾN TRÚC – HỘI KIẾN TRÚC SƯ VIỆT NAM

Check Also

mau-cong-nha-co-dep-04.-thiet-ke-cong-sat-duc-dep

30 mẫu cổng sắt cực đẳng cấp cho biệt thự cổ điển đẹp

Cửa cổng sắt đẹp thiết kế đẳng cấp và phù hơp với lối sống xây …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *