“Hành lang giao thông đặt về một phía. Thang và phòng tắm ở giữa để lại các phòng ở hai đầu”. Đây là kiểu mặt bằng của nhà ống Việt Nam từ thời kỳ mở cửa đến nay. Cộng với hệ kết cấu chịu lực bêtông cốt thép và tường bằng gạch, tất cả đã trở thành một định đề bất biến của loại hình nhà ở này gần 20 năm nay.
Nhiều người dân nhận mình là tự thiết kế ngôi nhà, nhưng chỉ có mặt tiền là được “trang trí” khác nhau chứ bản chất của không gian vẫn là một sự rập khuôn nhàm chán. Vậy chưa cần phải thay đổi sang cấu hình khác, vẫn theo cách bố trí mặt bằng cơ bản như thế, những ngôi nhà giới thiệu sau đây chỉ rõ vai trò của người kiến trúc sư trong lĩnh vực sáng tác của họ.
Khi nói đến “vế” tức là thường nói tới hai phần, có quan hệ đăng đối với nhau từng cặp, cấu tạo nên một thể hoàn chỉnh. Kiểu bố trí mặt bằng của nhà ống như chúng ta đang ở có hai vế, một vế là hành lang giao thông xuyên suốt chiều dọc căn nhà, vế còn lại là các công năng phục vụ. Ở phần giữa nhà nơi có cầu thang và phòng tắm thì hành lang giao thông được định hình một cách rõ ràng, nhưng ở phòng ngủ hay phòng khách thì nó được hoà đồng cùng với không gian của những công năng này. Tại đây tuy không được phân định rõ ràng nhưng sự di chuyển rất tự nhiên trong không gian đã tạo ra hành lang giao thông vô hình. Rõ ràng nhất là khi kê đồ đạc bao giờ chúng ta cũng phải để một phần cho lối đi. Vậy có thể coi ngôi nhà có một vế động và một vế tĩnh.
- Ảnh bên: Hình vẽ nghiên cứu cuộc “hành trình kiến trúc” trong ngôi nhà Kanamori, KTS Tadao Ando
Khi thiết kế kiến trúc nhiều khi hình dạng của mảnh đất đã tạo ra tiền đề cho hình thái của ngôi nhà, và cũng từ đó dẫn đến hệ quả của cấu trúc không gian cũng như tổ chức mặt bằng cho công trình. Hơn nữa ngày nay với sự phát triển với tốc độ chóng mặt của đô thị thì người kiến trúc sư nhìn nhận kiến trúc công trình với một góc độ có tỷ lệ lớn hơn. Những công trình xây mới phải phụ thuộc rất nhiều vào cấu trúc không gian khu vực. Chúng có thể mang đến những cơ hội trở thành phần tử kết nối để tổ hợp lại cấu hình không gian tổng thể.
Nhìn về một khía cạnh nào đó thì thiết kế kiến trúc cũng rất giống những ngành sáng tạo khác. Lấy ví dụ như thiết kế thời trang, một nhà tạo mẫu giỏi khi nhìn một khách hàng có thể tạo ra những bộ quần áo phù hợp với hình dáng của anh ta, che đi những điểm xấu và tăng lên những giá trị mà nhiều khi chính anh ta cũng không nhận thấy. Đến khi trang điểm cũng vậy, những cô gái khi khéo trang điểm có thể biến cái mình tưởng như yếu thế trở thành một cá tính có sự hấp dẫn lớn.
Trở lại với nhà ống, ngôi nhà thường dài và hẹp, hình dáng của ngôi nhà đã quyết định tổ chức của các không gian bên trong. Các công năng nối liền nhau theo chiều dài ngôi nhà. Hai bức tường bên là những phần tử kiến trúc chính nối liền những công năng này. Hơn nữa, về mặt duy tâm mà nói chúng có một vai trò đặc biệt khi liền kề với những nhà hàng xóm.
Những kiến trúc sư giới thiệu sau đây đã lấy chiều dài của nhà ống là điểm mạnh để phát triển đồ án. Những ngôi nhà này được chia làm hai vế theo chiều dọc của thửa đất. Trong đó, một vế là hạt nhân chính, cái được coi như linh hồn của ngôi nhà. Nó được ví như chiếc môtơ để làm chuyển động bộ máy. Có thể nói rằng nếu không có vế này, ngôi nhà không hoạt động được nữa hay chỉ là một cái xác không hồn.
Hai ngôi nhà của Tadao Ando
Nhà ống là một đề tài hấp dẫn của nhiều kiến trúc sư nổi tiếng thế giới. Tadao Ando, kiến trúc sư hàng đầu Nhật Bản, được thế giới biết đến khi thực hiện ngôi nhà ống đầu tiên trong cuộc đời sáng tác của mình năm 1976. Hai ngôi nhà Kanamori và Nakayama ở nước Nhật được thực hiện khi ông đã có nhiều tên tuổi. Điều đó đã chứng minh rằng kiến trúc có thâm thuý hay không sẽ không hề phụ thuộc vào kích cỡ hay thể loại công trình.
- Ảnh bên: Ngôi nhà Kanamori nằm trong khu vực rất dày đặc và ồn ào của thành phố Osaka. Chỉ có tầng một được mở cho cửa hàng, ba tầng phía trên được đóng kín bởi kính mờ.
Ngôi nhà Kanamori được KTS Tadao Ando thực hiện năm 1994, nó nằm trong một khu vực sầm uất với những cửa hàng buôn bán ở thành phố Osaka. Ngôi nhà rất hẹp với 2,9m chiều rộng và 15m chiều dài nên đã tạo ra một cảm giác rất sâu. Nhưng có lẽ cũng chính vì thế mà ông đã biến cái cảm giác này trở thành điểm mạnh của đồ án. Ngôi nhà có hai vế, một bên là các công năng thông thường, bên kia là hệ giao thông nối liền không gian các tầng lại với nhau. Chính hệ giao thông này là phần tử quyết định sự thành công của công trình. Nó vừa chạy theo cả chiều dọc lẫn chiều cao của ngôi nhà. Đó là sự bố trí của một tổ hợp cầu thang mà tại những điểm dừng luôn gây ra những cảm xúc bất ngờ. Ví như ở phòng khách tại tầng hai, nó được đặt trong một không gian với chiều cao thông suốt ba tầng. Hay như điểm kết thúc ở tầng bốn, nó thoát ra khoảng sân mở thông lên trời tràn ngập ánh sáng.
Việc di chuyển trong không gian luôn được KTS Tadao Ando quan tâm lưu ý trong những tác phẩm của mình. Nhất là cầu thang luôn là phần tử then chốt trong tổ chức không gian của công trình. Nó là phần tử chính trong cuộc “hành trình kiến trúc” mà ông luôn tìm kiếm. Chúng ta phải biết rằng người “thầy” quan trọng nhất của Tadao Ando chính là Le Corbusier, cha đẻ của nền kiến trúc hiện đại. Chính phạm trù “hành trình kiến trúc” đã được Le Corbusier tìm tòi ngay từ những tác phẩm đầu tiên của mình. (Ngôi biệt thự “Villa Savoye” xây năm 1929 tại Pháp thể hiện rất rõ nguyên lý này). Điều đáng nói ở đây là Le Corbusier ảnh hưởng tư tưởng này từ kiến trúc Arập (các nước Bắc Phi). Ông đúc rút được rất nhiều kinh nghiệm trong những chuyến du lịch của mình. Ông nói:“Kiến trúc Ả rập mang lại cho chúng ta một bài học quý báu. Đó là việc coi trọng sự tản bộ bằng chân. Chỉ trong khi đi bộ, khi dịch chuyển chúng ta mới thấy được cách bố cục của kiến trúc phát triển như thế nào. Đó là nguyên lý ngược hẳn với kiến trúc Baroc, cái được diễn đạt xung quanh một điểm lý thuyết cố định. Tôi thích bài học của kiến trúc Arập hơn”.
- Ảnh bên: Phòng khách ở tầng hai được lấy hết chiều cao của ba tầng nên đã đánh mất đi cảm giác chật hẹp của ngôi nhà.
Kiến trúc được thành lập phụ thuộc vào sự di chuyển trong không gian thực ra cũng là một trong những tính cách đặc thù của kiến trúc truyền thống Nhật Bản. Khác với Trung Quốc hay ở nước ta, ngôi nhà truyền thống Nhật Bản được thành lập dựa trên một mặt bằng “bất” đối xứng. Khi đi từ lối vào nhà đến khu vườn “bí mật” bên trong đã tạo ra một sự di chuyển như một cuộc hành trình rất lôi cuốn thông qua những không gian đặt lệch, những nơi được thu nhỏ hay mở rộng bởi những tấm cửa trượt. Điều mà Tadao Ando học ở Le Corbusier chính là sự ứng dụng nguyên lý này trong kiến trúc hiện đại.
Ngoài ra ngôi nhà có bốn tầng, toàn bộ tầng một được dành cho cửa hàng, ba tầng trên để ở. Cũng giống như một số nhà ở tư nhân khác mà KTS Tadao Ando thiết kế, mặt tiền ngôi nhà này cũng được bịt kín để tránh đi sự ồn ào từ ngoài phố. Nhưng do vật liệu bằng kính mờ nên ánh sáng vẫn có thể truyền qua được. Và tất nhiên khoảng sân trong mở thông lên trời đưa con người gần gũi với thiên nhiên là phần tử không thể thiếu được trong những ngôi nhà mà ông thiết kế. Ở đây nó thông liền tầng ba với tầng bốn và nằm ở giữa các phòng ngủ.
Ngôi nhà Nakayama ở thành phố Nara được xây năm 1985, nó có chiều rộng 7m và chiều dài 19m. Nó được chia làm hai vế đều nhau một cách rõ rệt theo chiều dọc nhà. Một bên dành cho ở còn bên kia là khoảng sân mang lại bầu không khí để thở cho ngôi nhà. Toàn bộ cấu trúc không gian của công trình hướng ra phía sân để lấy ánh sáng. Tầng một là các không gian sinh hoạt chung, tầng hai có phòng ngủ và phòng uống trà.
Đối với KTS Tadao Ando thì thiên nhiên không bao giờ có thể tách rời khỏi kiến trúc, đó cũng là một điều dễ hiểu khi là người châu Á. Thiên nhiên luôn là linh hồn trong những tác phẩm mà ông thiết kế. Ở nơi đó con người phải được sống gần gũi với nó nhiều nhất. Có thể sờ được không khí, ngửi được những hạt mưa và nhìn thấy được chiều thứ tư của không gian thông qua ánh sáng.
- Ảnh bên: Sân trời được mở ở tầng ba và tầng bốn (điểm kết của cuộc “hành trình kiến trúc”). Khi đi từ phòng nọ sang phòng kia ta có cơ hội tiếp xúc với thiên nhiên.
Thiên nhiên luôn được ông chớp lấy và gói lại trong những bức tường bêtông của mình, một sự hoà đồng giữa một thể xác cứng rắn với một tâm hồn tĩnh lặng và thanh thản. Thiên nhiên được nhìn nhận như một phần tử kiến trúc riêng biệt và cùng những công năng khác tổ hợp lên ngôi nhà. Một tổ hợp luôn hướng nội thúc đẩy cho con người có khả năng suy nghĩ để tìm lại được chính mình.
Nước Nhật mở cửa từ những năm 60 của thế kỷ trước, đó cũng đánh dấu bước khởi đầu trong tiến trình phát triển đô thị rất ồ ạt tại nhiều thành phố. Sự phát triển rất dày đặc và không đồng bộ tạo ra bộ mặt của đô thị một sự hỗn loạn. Để tránh đi cái sự ồn ào của phố thị và cũng như muốn tìm lại một âm hưởng của kiến trúc truyền thống, những ngôi nhà mà ông thiết kế luôn được bao bọc bởi những bức tường kín. Những bức tường bằng bêtông tuy về mặt thể chất tạo ra một sự ranh giới rất rõ ràng giữa trong và ngoài, nhưng có một điều kỳ diệu nào đó mà chúng như gây ra một sự lôi cuốn hướng sang phía bên kia. Ông cũng đã từng giải thích vấn đề này trong một cuộc phỏng vấn“Đối với tôi con người luôn cảm nhận được điều gì đó như linh tính hay linh cảm. Ví dụ như trường hợp bức tường, cần phải làm cho mọi người cảm thấy có cái gì đằng sau nó. Đó là cái mà chúng tôi gọi là “kehai” theo tiếng Nhật, sự linh cảm. Điều đó rất quan trọng. Trong những tác phẩm của tôi, tôi muốn mọi người phải cảm nhận được đằng sau cái mà họ nhìn thấy. Có rất nhiều công trình kiến trúc đương đại dừng lại tại vị trí bức tường, phía sau nó các kiến trúc sư không để ý tới nữa. Điều quan trọng đối với tôi là tất cả những thứ mà chúng ta không nhìn thấy, không thể nhìn thấy. Cần phải đưa ra một kiểu phương tiện để gợi ý sự tồn tại ở phía đằng sau đó. Tôi nghĩ rằng cái ý tưởng cho kiến trúc dựa theo bản năng và trực cảm chưa được biết đến nhiều trên thế giới”.
Ảnh trái: Sân trong ngôi nhà Nakayama. Cầu thang luôn là phần tử chính trong cuộc “hành trình kiến trúc” / Ảnh phải: Giới hạn giữa trong và ngoài hầu như bị xoá bỏ. Thiên nhiên không chỉ là cây cối, nó là không khí, ánh sáng và cả những hạt mưa nữa
Ngoài ra cũng như ngôi nhà Kanamori kể trên, ta lại thấy một lần nữa cuộc “hành trình kiến trúc” ở ngôi nhà này. Muốn đi từ phòng khách ở tầng một lên phòng ngủ ở tầng hai, ta có thể đi ra ngoài sân, bước theo cầu thang rồi tới sân thượng, sau đó mới đi vào trong phòng ngủ. Việc bố trí cuộc hành trình từ trong ra ngoài rồi lại từ ngoài vào trong có mục đích làm cho con người có thể tiếp xúc với thiên nhiên nhiều nhất. Cuộc hành trình được dàn dựng một cách khéo léo bởi sự tổ hợp của các phần tử kiến trúc riêng biệt tạo ra những cảm xúc khác nhau như cầu thang được treo lơ lửng trong không gian, sân thượng là không gian trung chuyển giữa trong và ngoài.
Hai công trình mà KTS Tadao Ando thực hiện kể trên, về “hình thức” chúng hoàn toàn khác nhau nhưng chung quy lại vẫn cùng những tư tưởng trùng hợp. Đó là sự tìm tòi sáng tạo của người kiến trúc sư để có được con đường đi riêng của chính mình.
Ngôi nhà ở khu Showa – Cho, 2008, Osaka, Nhật Bản
Văn phòng kiến trúc Fujiwaramuro Architects. Ảnh: Toshiyuki Yano
Cũng như ngôi nhà Nihonbashi được thiết kế bởi KTS Tadao Ando, ngôi nhà này cũng có chiều rộng lòng nhà chỉ xấp xỉ 3m. Để tránh đi sự chật hẹp chỉ còn cách nới rộng không gian theo chiều cao cũng như chiều dài. Khác với ngôi nhà Nihonbashi có cầu thang là phần tử then chốt của đồ án, ở đây bức tường bên là phần tử được dùng để kéo dài không gian.
Ngôi nhà nằm trong một phố nhỏ khá yên tĩnh nên các kiến trúc sư đưa ý tưởng mở rộng mặt tiền để tạo sự liên hệ nhiều nhất giữa trong và ngoài. Các không gian không những thông liền với nhau trong nhà mà còn vươn dài ra cả ngoài đường tạo ra một cảm giác rất thoáng. Đứng từ ngoài đường ta có thể nhìn thấy được cả đáy nhà.
Ảnh trái: Nhìn vào mặt tiền ta có thể nhận thấy rõ sự tổ hợp theo hai vế của các phần tử kiến trúc. Khoảng sân nửa thuộc về ngôi nhà nửa thuộc về đô thị, nó là phần tử nối liền trong và ngoài. / Ảnh phải: Khi độ rộng bị hạn chế chỉ còn cách khai thác không gian theo chiều cao và chiều dài để tăng độ thoáng trong nhà. Bức tường dọc nhà được sơn màu riêng biệt để làm rõ nét mối liên hệ giữa các không gian.
Ngôi nhà được cấu tạo bởi hai vế hình thành từ sự tổ hợp của các phần tử kiến trúc khá rõ nét. Một bên là bức tường dọc nhà nối liền các không gian theo chiều dài cũng như chiều cao, bên kia là tổ hợp các bản sàn, cầu thang và bức tường bên đối diện. Cách liên kết các phần tử tại các khớp nối được các kiến trúc sư xử lý một cách tinh tế để minh hoạ ý tưởng một cách rõ nét. Như một khe sáng được mở giữa mái và bức tường dọc nhà, vừa để phân định giữa hai phần tử vừa để làm tăng thêm chiều cao của bức tường khi ánh sáng hắt xuống. Ngoài ra, ngôi nhà được dùng hai màu trắng và đen để thể hiện hai vế riêng rẽ. Cầu thang được làm bởi những bản thép mỏng tránh làm vật trở ngại cho sự thông suốt của không gian.
Không gian phòng khách có chiều cao thông suốt ba tầng, đây là không gian nối liền các tầng và cũng là không gian đệm giữa trong nhà và ngoài phố. Các tường ngăn được làm bằng kính nên tầm nhìn trong các không gian không bị hạn chế, điều đó dẫn tới các công năng có chiều dài như nhau theo hết chiều dọc nhà mặc dù diện tích sàn hoàn toàn khác nhau.
Sự nối liền giữa trong và ngoài cũng được thể hiện ở khoảng sân phía trước. Nó được nối liền với nhà để xe ở tầng một. Việc trồng một cây nơi đây như tạo ra một mảnh vườn tư hữu trước nhà, mảnh vườn này hoàn toàn mở ra không gian đô thị nên tạo cho chúng ta hai cảm giác đồng thời trong và ngoài rất thú vị.
Ảnh trái: Phòng khách là không gian nối liền các tầng, nó cũng là không gian đệm giữa các không gian bên trong với khu vực. / Ảnh phải: Các điểm nhìn xuyên suốt trong nhà tạo ra sự thông thoáng và đánh mất đi cảm giác hẹp của lòng nhà.
Ảnh trái: Cầu thang được làm bằng các bản thép mỏng để tránh chướng ngại vật trong không gian. / Ảnh phải: Phòng tắm rất hẹp nhưng vì tầm nhìn được giải phóng nên nó cũng có chiều dài như các công năng khác.
Ngôi nhà ở khu Taman Kebon Jeruk, 2010, Jakarta, Indonesia
Văn phòng kiến trúc Indra Tata Adilaras. Ảnh: Sjahrial Iqbal, Griya Asri.
Jakarta cũng như Hà Nội và Sài Gòn là thành phố có nhiều sự ồn ào và ô nhiễm. Vậy tư tưởng thiết kế nào sẽ phù hợp với những ngôi nhà mặt phố hiện tại? Cái tư duy thiết kế kiến trúc thiên về hình thức có còn là trọng tâm của đồ án nữa hay không? Đó là những câu hỏi cốt yếu cho những kiến trúc sư ở thế kỷ 21 này. Sự lạm dụng quá tải điều hoà và ánh sáng nhân tạo đang làm cho người dân thành thị sống trong một thời kỳ bị phụ thuộc nhất từ trước tới nay. Thiên nhiên chỉ còn là hình ảnh trong những giấc mơ của trẻ em thành phố.
- Ảnh bên: Hồ bơi và sân trời tạo ra một vùng vi khí hậu riêng rẽ trong nhà.
Với sự thay đổi khí hậu của trái đất như hiện nay, những kiến trúc sư phải mang trong hành trang của mình thêm rất nhiều kiến thức. Họ là những người phải nắm rất vững sự hiểu biết khoa học kỹ thuật. Không còn đầu óc bay bổng nữa, họ trở thành những kỹ sư thực thụ. Chưa bao giờ môn vật lý kiến trúc lại trở nên quan trọng trong các trường kiến trúc châu Âu đến thế. Những cua học ngắn hạn thường xuyên cho các nhà chuyên môn để luôn cập nhật những thông tin mới nhất, những giải pháp mới nhất của ngành xây dựng là rất cần thiết. Hơn mười năm trước đây, những cụm từ như “nhà đẹp” và “nhà xinh” rất hấp dẫn chúng ta. Nhưng ngày nay để có được một kiến trúc bền vững thì những cụm từ đó nên đổi thành “nhà không điều hoà” hay “nhà thông minh” thì chắc sẽ phù hợp hơn.
Những giải pháp mới nhiều khi cũng không có gì là phức tạp cả. Ngôi nhà ở khu Taman Kebon Jeruk tại thành phố Jakarta nhìn ra một con đường ồn ào. Nó có ba tầng, với tổng diện tích 478m2, toàn bộ tầng một dùng cho garage để xe và khu kỹ thuật, không gian sinh hoạt và ở chỉ bắt đầu từ tầng hai. Các kiến trúc sư của văn phòng kiến trúc Indra Tata Adilaras đã đưa ra một ý tưởng rất sáng tạo khi thiết kế một hồ bơi ở tầng hai theo chiều dọc nhà. Nó được đặt về một vế để lại vế kia là các công năng phục vụ. Mặt tiền của ngôi nhà ở tầng hai và tầng ba được bịt kín nên gió chỉ có thể thổi qua phía của hồ bơi khi vào nhà. Tại đây gió được làm mát trước khi tràn vào các không gian bên trong. Hơn nữa một khoảng sân được mở thêm ở giữa nhà, cùng với hồ bơi chúng tạo ra một vùng vi khí hậu riêng trong nhà. Hồ bơi và sân trời trở thành trọng tâm của công trình, toàn bộ cấu trúc không gian sinh hoạt trong nhà hướng vào đây.
Ảnh trái: Mặt tiền đã xoá bỏ đi những phào chỉ rườm rà. / Ảnh phải: Một khe sáng được mở ở sân trời để ánh sáng có thể truyền xuống được cả tầng một.
Tất nhiên trong kiến trúc khi nói tới kỹ thuật không thể không nhắc tới nghệ thuật. Nhưng nghệ thuật ở đây đến từ hệ quả của kỹ thuật. Đầu tiên phải kể tới mặt tiền, vì không muốn gió thổi trực tiếp vào nhà cũng như tránh đi sự ồn ào từ ngoài phố nên nó được bịt kín. Sự bố trí của bancông nơi đây tạo ra cho mặt tiền như một bức tranh trừu tượng, hay nói đúng hơn là một bức tranh theo trường phái “minimalism”. Cái hình thức biểu hiện này không chỉ dành riêng cho mặt tiền mà lại được lặp lại ở cấu trúc khối bên trong để tạo nên một thể thống nhất toàn nhà. Ngôi nhà đã loại bỏ đi những phào chỉ rườm rà chỉ là sự “copy” của kiến trúc cổ điển mà ta có thể nhận thấy từ những ngôi nhà hàng xóm.
Ngoài ra, các kiến trúc sư còn có nhiều sự tìm tòi những cảm xúc mới trong không gian như việc đặt hồ bơi ở tầng hai, nó như được treo trong không gian đô thị. Cầu thang một vế đặt ở giữa nhà hướng ra sân trời, khi lên xuống ta có cảm giác như đang lơ lửng trong không trung. Không gian sinh hoạt chung ở tầng hai mở thông ra phía hồ bơi và sân trời nên giới hạn giữa trong và ngoài hầu như bị xoá bỏ. Còn khi ngồi trong khoảng sân trời ta có cảm giác như đang ở khu nghỉ an dưỡng chứ không nghĩ trong ngôi nhà ống ở một đô thị ồn ào.
Ảnh trái: Sự tìm tòi cách biểu hiện mới cho hành lang giao thông dọc nhà. / Ảnh phải: Mái tre bằng vải bạt được căng phía trên sân trời để tránh bớt đi ánh sáng trực tiếp chiếu vào nhà.
Nhà ở khu Bintaro, 2009, Tangerang, Indonesia
Văn phòng kiến trúc Atelier Riri. Ảnh: Fernando Gomulya.
Cũng như thiên nhiên, kiến trúc đẹp cũng có thể tạo được từ những điều giản dị nhất. Và chỉ từ vẻ đẹp giản dị mới có thể hình thành sự thuần khiết và sâu lắng. “Đẹp” là một phạm trù rất trừu tượng và vẻ đẹp của một công trình kiến trúc nhiều khi không thể nhìn thấy được bằng thị giác, không dễ tả được thành lời mà chỉ có thể cảm nhận được thôi.
Cũng như ngôi nhà ở thành phố Jakarta kể trên, ngôi nhà ở thành phố Tangerang này cũng được thiết kế với mục đích chính là tìm sự thoáng mát và tránh đi sự ồn ào của đô thị. Ta cũng thấy ở đây sự tổ chức mặt bằng tương tự của hai nhà. Ngôi nhà không xây hết thửa đất mà để lại khoảng sân nhỏ dọc theo chiều dài và một phần đáy nhà. Chính nơi đây trở thành lá phổi cũng như linh hồn của ngôi nhà.
Khoảng sân để xe phía trước không rào kín mà mở thông ra đô thị. Hiện nay với sự xây dựng dày đặc trong thành phố nếu khoảng không này không bị bịt kín bởi các nhà tư nhân thì sẽ tạo ra không gian mở rộng thêm cho đô thị. Hơn nữa đây sẽ là nơi tạo ra cơ hội cho mọi người gặp gỡ nhau nới rộng tình làng nghĩa xóm.
Mặt tiền hầu như được bịt kín nên toàn bộ ánh sáng được lấy từ sân. Vì độ rộng của sân không lớn nên ánh sáng không chiếu trực tiếp vào trong nhà được. Khi tránh được ánh nắng rồi thì không gian trong nhà được mở rộng hết để tạo sự thông thoáng. Khi gió thổi vào sân cạnh nhà sẽ chạy qua không gian trong nhà và thoát ra khỏi sân đáy nhà. Vì vậy đã tạo nên một sự lưu thông liên tục của gió.
Từ việc xử lý kỹ thuật là tiền đề đã dẫn tới hệ quả mỹ thuật có cá tính rất riêng cho ngôi nhà. Thứ nhất, với sự bố trí này đã quyết định toàn bộ cấu trúc của các không gian bên trong. Các công năng được đặt ở một vế và hướng sang phía sân ở vế bên kia. Sự mở thông giữa các công năng với các khoảng sân đã tạo ra sự gần gũi với thiên nhiên, đánh mất đi giới hạn giữa trong và ngoài. Thứ hai, toàn bộ ánh sáng trong nhà là ánh sáng “gián tiếp” nên đã tạo ra một âm hưởng rất châu Á trong không gian. Thứ ba, phải kể đến sự nhạy cảm của các kiến trúc sư khi chớp lấy cái vẻ đẹp của khu vực. Một vẻ đẹp rất giản dị mà nhiều khi chúng ta không để ý tới. Toàn bộ tầm nhìn ngôi nhà hướng vào bức tường cũ cạnh nhà hàng xóm và những mái ngói lô xô trong khu vực. Sự giản dị bên ngoài cũng được lặp lại ở cách bài trí bên trong. Những đồ vật trong nhà không cầu kỳ phô trương nhưng cũng không vì thế mà thiếu đi sự hấp dẫn. Ví dụ như chiếc riđô được đóng vào hoặc mở ra khi cần thiết để che đi không gian làm việc dưới gầm cầu thang. Cái vẻ đẹp giản dị dung hoà giữa trong và ngoài tạo nên một âm hưởng rất nhẹ nhàng và thanh thoát cho ngôi nhà.
Linh hồn chính của ngôi nhà là bức tường cũ, nó được coi như bức tranh duy nhất trong nhà. Vì khoảng cách rất gần nên nó có sự hiện diện rất đặc biệt trong gia đình. Nó như một đồ vật chung sống vui buồn theo năm tháng với những con người ở nơi đây. Nó thể hiện tình cảm thay thiên nhiên, vui khi những tia nắng lung linh chiếu vào và buồn khi những hạt mưa chảy dọc. Nó đã thổi một chất “thơ” vào trong không gian kiến trúc mà chỉ những người châu Á mới cảm nhận được hết giá trị này.
Ảnh trái: Bancông ở phòng ngủ, nó là không gian bên ngoài nhưng cũng rất kín đáo. Tuy nó không lớn nhưng cũng vừa đủ để cho con người tiếp xúc được với thiên nhiên. / Ảnh phải: Tông màu đỏ được chọn dùng chủ yếu trong nhà.
Ngày nay ở nước ta có rất nhiều người, cả những nghệ sĩ sáng tác luôn hô hào yêu truyền thống và cứ gồng lên chạy đua sưu tầm những bình cổ hay lọ cổ để bày la liệt trong nhà, rồi tự xưng nhà mình có không gian truyền thống. Đó chỉ đơn thuần là sự trang trí đơn giản chứ kiến trúc hoàn toàn không phải thế. Cái khó trong kiến trúc là phải tìm được cái “hồn” truyền thống của không gian, một thứ rất sâu lắng mà không dễ gì có thể đạt được.
Hai ngôi nhà xây ở đất nước láng giềng Indonesia mang tới cho chúng ta nhiều điều thú vị và bổ ích. Sự thành công trên cả hai lĩnh vực kỹ thuật và nghệ thuật đã mang tới sự nổi tiếng cho hai ngôi nhà vượt qua cả giới hạn quốc gia. Chủ nhân của những tác phẩm này là những kiến trúc sư còn trẻ, nhưng có người đã làm giảng viên tại các trường đại học kiến trúc. Họ là thế hệ trẻ đầy nhiệt huyết mong muốn đóng góp hơi thở mới cho nền kiến trúc hiện đại nước nhà.
KTS Vũ Hoàng Sơn
ASHUI.COM