Home / Nhà nhỏ đẹp / Cảnh sống khó tin ở những ngôi nhà nhỏ nhất phố cổ Hà Nội

Cảnh sống khó tin ở những ngôi nhà nhỏ nhất phố cổ Hà Nội

Nhà cổ = Chật chội + Nguy hiểm

Trương Khánh Hà (21 tuổi) là thế hệ thứ 4 được sinh ra tại số 94 Yên Phụ. Theo lời kể của chị Hoàng Thu Hương (mẹ Hà), căn nhà này vốn do một nhà buôn thuốc lào dựng lên từ những năm trước chiến tranh.

Hòa bình lập lại, gia đình họ di cư vào Nam sinh sống. Chính quyền phân lại căn nhà cho những người dân vừa đi tản cư về, trong đó có các cụ của Hà.

mau-nha-nho-30m2-cuoc-song-pho-co-1

Bức tường phía ngoài ngôi nhà 94 Yên Phụ

Sau hàng thập kỉ, 94 Yên Phụ xưa kia đã thành nơi sinh sống của gần chục hộ gia đình. Nhà chị Hương có diện tích rộng nhất với 2 tầng, mỗi tầng rộng tầm 11 – 12 m2. Khoảng không gian đó khiến cả gia đình phải hạn chế bày biện đồ đạc nhất có thể, các tủ hầu hết đóng âm vào tường, trừ tủ lạnh.

Cả nhà có 4 chiếc xe, nhưng đêm đến, chỉ có 2 chiếc xe máy của chị và con gái lớn được cất ở tầng 1, xe máy của chồng phải gửi sang nhà hàng xóm, còn chiếc xe đạp mini của đứa út thì phải vác lên để ở phòng ngủ tầng 2 vì nhà không còn chỗ chứa.

Chiều cao căn nhà cũng rất khiêm tốn, nhất là phòng riêng của Khánh Hà. Trần chỉ cách mặt đất chừng mét sáu nên bố Hà mỗi lần vào phòng là phải cúi đầu. Hà đùa: “May quá, mình chỉ hơn mét năm nên vẫn đi lại thoải mái”.

Căn nhà này chưa từng nằm trong danh mục nhà cổ cần được bảo tồn của thành phố, thế nhưng những dấu vết thời gian của gần một thế kỉ thì không khó để nhận ra. Mặt tường phía ngoài đã bong tróc nhiều, lộ cả phần gạch phía trong. Từ tầng 2 trở lên, rêu xanh phủ kín tường khiến ngôi nhà trở nên lạc lõng với phố thị hiện đại, nhiều màu sắc xung quanh.

Trong nhà Hà, 4 bức tường đều phải phủ lên nhiều lớp giấy dán để tránh vôi vữa rơi xuống. “Có lần mưa, cả tảng vữa to rơi xuống chỗ hành lang, nhưng số người dân khu này cao nên may quá, không ai bị làm sao cả”, Hà nhớ lại.

mau-nha-nho-30m2-cuoc-song-pho-co-2

Tấm biển cảnh báo ở lối đi chung, tầng 1 ngôi nhà 47 Hàng Bạc

Nhưng nguy hiểm ấy vẫn chưa là gì nếu so với tình cảnh hiện tại của gia đình chị Nguyễn Thị Hường (47 Hàng Bạc). Gia đình chị sống trong căn phòng hơn chục mét vuông, nằm trơ trọi trên tầng 2 của ngôi nhà. Lối đi lên là chiếc cầu thang sắt với độ rộng chỉ hơn thân người. Các bậc đã han rỉ nhiều, cộng thêm độ dốc lớn khiến ai bước lên cũng phải nắm chặt lấy thanh lan can mỏng manh.

Phía trước cửa phòng là mái của tầng 1 gồm nhiều tấm tôn lụp xụp xếp chồng lên nhau. Nhìn lên trên, chiếc vì kèo ngang của căn nhà ngả màu đen cháy, một số điểm trên kèo thấy rõ vệt than. Bốn phía xung quanh phần mái ấy là những bức tường xám xịt, bám đầy rễ của cây si cổ thụ được trồng trên nóc tầng 3.

Chính vì rễ cây ăn quá chắc vào tường nên chẳng ai bứng nổi. Nhưng cứ để nguyên như thế thì là cả một mối lo. “Tán cây rộng, gió bão mà quật đổ nó thì cả nhà tôi chết”, chị Hường cho hay.

mau-nha-nho-30m2-cuoc-song-pho-co-3

Những vết cháy để lại từ năm 2010 tại ngôi nhà số 47 Hàng Bạc

“Ở không được, bán không xong”

Những vết than cháy trên vì kèo nhà chị Hường là hậu quả để lại từ trận cháy lớn tại 47 Hàng Bạc vào năm 2010. “Bà hỏa” khi đó đã thiêu rụi một phần của căn nhà cùng toàn bộ chiếc cầu thang gỗ. Sau biến cố ấy, chị Hường phải đi xin một chiếc cầu thang sắt để lắp vào thay thế, làm chỗ đi lên đi xuống. Phần nhà cháy bị dỡ bỏ, để lại căn phòng nhà chị đơn độc như hiện nay.

mau-nha-nho-30m2-cuoc-song-pho-co-4

Khu vực nhà bị cháy năm 2010. Nay không còn người sinh sống.

“Sống trong nhà này nguy hiểm lắm” – chị Hường mấy lần nhắc lại câu nói ấy. Nơi gia đình chị sinh sống – nhà số 47 Hàng Bạc vốn được coi là ngôi nhà cổ nhất Hà Nội. Theo nhiều ghi chép, ngôi nhà được xây dựng từ năm 1883, tức là đến nay, “tuổi thọ” của nó đã xấp xỉ 140 năm.

Mỗi khi có trận mưa lớn, nước lên ngang bậc thang, các gia đình lại hò nhau vừa bật máy bơm, vừa tát nước vào cống. Nhà cổ, hay bị ngập, lại từng có cháy lớn, di sản của Thủ đô biến thành nơi nguy hiểm rập rình. “Ngoài nhà tôi thì chẳng có ai dám trèo lên đây”, chị Hường buồn bã nói.

mau-nha-nho-30m2-cuoc-song-pho-co-5

Cảnh sống khốn khổ trong những ngôi nhà phố cổ

Cũng vì thấy quá nguy hiểm, nhiều hộ dân sống tại đây từng viết đơn kiến nghị xin được tu bổ, sửa chữa nhưng không ít lá đơn bị “tắc” lại bởi lý do muôn thuở: nhà cổ thì phải hạn chế sửa.

Nhà không thuộc diện phải bảo tồn nhưng gia đình chị Hoàng Thu Hương cũng chẳng sung sướng hơn. Diện tích sàn dưới 30 mét vuông kéo theo nhiều thủ tục pháp lý phức tạp khiến chủ hộ gặp khó trong việc mua bán. Và dù có đủ tiền để sửa chữa đi chăng nữa, chị Hương cũng chẳng thể làm gì nhiều vì nhà chị nằm ở 2 tầng dưới cùng. “Muốn đập thì phải đập tất”, chị kết luận.

mau-nha-nho-30m2-cuoc-song-pho-co-6

Lối đi chung chật hẹp, luôn phải thắp đèn dù giữa trưa.
mau-nha-nho-30m2-cuoc-song-pho-co-7
Cầu thang dẫn lên nhà chị Hường.

Vài năm trước, người dân Yên Phụ từng xôn xao bàn tán về một dự án tái định cư cho các hộ sống trong các nhà cũ, nhà lâu năm nhưng cho đến nay, mọi thứ vẫn chưa hề biến chuyển.

Con trai út của chị Hương, cậu bé Trương Anh Vũ mỗi lần muốn đi học, đi chơi vẫn phải lên tầng 2 vác xe đạp xuống qua chiếc cầu thang chật hẹp. Mọi hộ dân ở đây vẫn phải ngó trước nhìn sau mỗi khi trời mưa kẻo gạch, vữa rơi trúng xuống đầu.

Hơn 20 năm về làm dâu trong căn nhà cổ nhất Thủ đô, chị Hường vẫn chỉ có một mong muốn duy nhất: hoặc chính quyền cho sửa nhà hoặc hỗ trợ người dân chuyển đi nơi khác sinh sống. Khánh Hà thì mong nhà rộng hơn, cao hơn để mọi người vừa có chỗ để xe, bố vừa không phải lom khom đi lại trong chính nhà mình.

Và nếu những dự án tu bổ hay tái định cư nhà cổ, nhà cũ của Hà Nội tiếp tục “dậm chân”, ước mơ và mong muốn của người dân rất có thể sẽ trở thành thứ “di sản” cũ kĩ như chính ngôi nhà họ đang sống.

Theo Dân Trí

2SAO.VN

Check Also

nha-sieu-nho-dep-1

Top 10 ngôi nhà siêu mỏng, siêu nhỏ và siêu đẹp ở Nhật – Ionovietnam.com

Những ngôi nhà siêu nhỏ được thiết kế để tận dụng không gian cực kỳ …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *