Khi ngôi nhà của bạn có khoảng diện tích cố định, và sẽ thật khó khăn khi phải phân chia nhiều khoảng không gian chức năng nhưng diện tích lại khá hạn hẹp. Bạn có thể nghĩ đến việc thiết kế thêm gác lửng giúp tăng thêm diện tích sử dụng cũng như thêm một vài chức năng cần thiết cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Một ngôi nhà hay căn hộ chung cư đều trở nên đẹp mắt, tiện lợi cho sinh hoạt khi bạn khéo léo bố trí thêm gác lửng với diện tích phù hợp.
Gác lửng hay còn gọi là gác xép, thuật ngữ này dùng để chỉ phần diện tích được thiết kế thêm trong một không gian, nhằm thêm diện tích sử dụng cho ngôi nhà hay căn hộ. Có thể xem gác lửng (gác xép) như một tầng của căn hộ hay nhà phố. Tầng này không hoàn thiện như một tầng của nhà phố thông thường mà chỉ sử dụng khoảng 1/2 – 1/3 diện tích sàn phía dưới.
Ở những ngôi nhà có ưu thế về chiều cao thì các kiến trúc sư cũng như gia chủ đã sử dụng giải pháp thêm gác lửng để tăng không gian sống cho ngôi nhà. Bên cạnh những ngôi nhà, căn hộ có diện tích hẹp nhưng chiều cao lớn thì những ngôi nhà có diện tích rộng thoáng cũng vẫn thường dùng phương án tạo gác lửng để tạo độ thoáng sáng và rộng rãi cho không gian.
Có rất nhiều cách thiết kế gác lửng, gác xép khác nhau tùy thuộc vào khả năng xử lý sàn cũng như kết cấu thẩm mỹ của ngôi nhà. Ở những căn hộ chung cư có diện tích khiêm tốn, thêm gác lửng để tăng thêm một khoảng không gian chức năng quý báu cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày thêm đầy đủ, tiện nghi và đảm bảo riêng tư. Ví dụ gác lửng được sử dụng làm nơi làm việc, nơi nghỉ ngơi hay một căn phòng của một thành viên nào đó trong gia đình.
Ở những ngôi nhà phố có diện tích vừa phải, gác lửng được thêm vào không gian để bố trí phòng khách hay bếp ăn. Phần sàn phía dưới được sử dụng làm nơi để xe tiện lợi.
Với những ngôi nhà phố và những biệt thự rộng rãi, tầng lửng có chiều cao khoảng 2,5 – 2,8m2 giúp xua tan cảm giác bức bối, chật chội khi sử dụng không gian. Và gác lửng ở những ngôi nhà này thường chiếm khoảng 1/2 – 1/3 diện tích xây dựng chung của ngôi nhà.
Thiết kế cầu thang để lên xuống từ sàn lên gác cũng khá đơn giản về màu sắc cũng như thanh thoát về kiểu dáng thiết kế. Cầu thang lên xuống của gác lửng cũng được đặt ở vị trí sát tường nhằm tiết kiệm tối đa diện tích sử dụng chung của ngôi nhà. Với những căn hộ nhỏ, cầu thang lên gác xép có thể được thiết kế thêm các ngăn kéo để tăng thêm diện tích lưu trữ đồ đạc. Đối với những ngôi nhà rộng rãi thì cầu thang lại được thiết kế thanh mảnh và thông thoáng nhất có thể.
Ngoài những đặc điểm chung về mặt thiết kế, để có được một gác lửng tiện lợi cho việc sinh hoạt và mang dấu ấn phong cách cho toàn bộ ngôi nhà, bạn nên thêm pha một vài yếu tố trang trí cơ bản như sơn cầu thang, sử dụng nội thất nhỏ gọn, tiện ích cho gác lửng hay gắn thêm gương, hệ thống kính hay treo tranh lên tường… Bên cạnh đó, đừng quên yếu tố ánh sáng để không gian gác lửng, gác xép của gia đình bạn trở nên đẹp tinh tế và ấn tượng hơn.
Bên cạnh việc sử dụng nguồn sáng chung với diện tích sử dụng phía dưới cầu thang, bạn có thể “chủ động” lắp đặt hệ thống chiếu sáng riêng cho gác lửng nhà mình bằng cách thêm đèn hắt trần hay đèn chụp với kiểu dáng hiện đại, tinh tế. Ánh sáng được sử dụng cho gác lửng thường là ánh sáng trắng hoặc vàng để tăng thêm diện tích cũng như độ mềm mại, uyển chuyển cho không gian.
Lục Bảo
BÁO EM ĐẸP