Đây là năm thứ 11 liên tiếp Bảng xếp hạng VNR500 được công bố nhằm tôn vinh những DN có quy mô lớn nhất Việt Nam và đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Lễ công bố và tôn vinh chính thức Bảng xếp hạng VNR500 năm 2017 sẽ được tổ chức vào ngày 19/1/2018 tại Khách sạn Grand Plaza, Hà Nội.
Ghi nhận sự trỗi dậy lớn mạnh của khối DN tư nhân
Nếu như năm 2007 (năm đầu tiên công bố Bảng xếp hạng VNR500), DN tư nhân chỉ chiếm khoảng 20%, thì đến nay, khối DN này đã tăng lên gần gấp 2,5 lần, chiếm khoảng 50% số DN trong Bảng xếp hạng.
Về mặt doanh thu, khu vực kinh tế Nhà nước vẫn đem đến tổng doanh thu lớn nhất trong 3 khu vực kinh tế của toàn Bảng xếp hạng VNR500 năm 2017. Tuy nhiên, đóng góp doanh thu của khối Nhà nước trong năm nay đã xuống còn 52%, giảm so với 59% trong năm 2016. Trong khi đó, đóng góp của khu vực tư nhân tăng, từ 27% trong năm 2016 lên 32,3% trong năm 2017.
Xu hướng tăng số lượng DN tư nhân và tăng tỉ trọng doanh thu của khối này trong Bảng xếp hạng VNR500 2017 đã phản ánh phần nào nỗ lực tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế và việc đẩy mạnh cổ phần hóa, tái cơ cấu DN Nhà nước, của Chính phủ thời gian qua.
Bảng xếp hạng VNR500 năm 2017 cũng tiếp tục khẳng định những ngành nghề trụ cột của toàn nền kinh tế. Cụ thể, các ngành như điện, khoáng sản – xăng dầu, tài chính, thực phẩm – đồ uống, viễn thông – tin học vẫn là top 5 ngành có tỷ trọng doanh thu đóng góp vào Bảng xếp hạng VNR500 lớn nhất. Trong giai đoạn 3 năm 2015-2017, ngành điện đã dẫn đầu với tổng doanh thu lớn nhất toàn bảng.
Ghi nhận sự cải thiện môi trường kinh doanh
Trong khuôn khổ công bố Bảng xếp hạng VNR500 2017, Vietnam Report cũng khảo sát cộng đồng các DN lớn Việt Nam trong Bảng xếp hạng VNR500 nhằm tổng hợp những đánh giá của DN về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2017, những rào cản các DN lớn đang phải đối mặt, khả năng tiếp cận công nghệ của DN thời đại công nghệ số, cùng triển vọng kinh doanh năm 2018.
Nếu năm 2016 được đánh giá là một năm đầy khó khăn với nền kinh tế Việt Nam, thì sang năm 2017, nhận định chung, bối cảnh chung của nền kinh tế và tình hình kinh doanh của các DN lớn đã có nhiều tín hiệu tích cực.
Theo phản hồi của các DN lớn, 75% DN đã tăng doanh thu trong năm nay, tăng khá nhiều so với năm 2016. Đồng thời, 62,5% DN phản hồi tổng thể tình hình sản xuất kinh doanh tốt lên, chỉ có 4,7% DN đánh giá giảm đi. Trong đó, gần 70% DN báo cáo năng suất lao động tăng lên; các yếu tố như trang thiết bị (máy móc, nhà xưởng), tài sản cố định, khách hàng cũng được trên 60% DN nhận định tăng lên.
Các DN lớn cũng đã có những đánh giá rất tích cực về những cải thiện trong môi trường đầu tư kinh doanh năm 2017.
Đánh giá về môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam năm nay, trên 50% DN lựa chọn từ tốt cho đến rất tốt đối với các vấn đề thủ tục pháp lý, khả năng tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai và cơ sở hạ tầng. Điểm nổi bật trong năm 2017 nằm ở các chính sách tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, dẫn đến làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, như đã được thể hiện qua việc cải thiện mạnh trong xếp hạng chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam (theo Báo cáo Doing Business).
Tuy nhiên, thủ tục hành chính và các vấn đề về thuế vẫn là mối bận tâm của nhiều DN trong giai đoạn này. Hơn 50% DN đánh giá thủ tục hành chính tại Việt Nam ở mức trung bình và gần 5% DN đánh giá mảng này ở mức kém.
Dự báo năm 2018, hầu hết các DN lớn cho rằng doanh thu, lợi nhuận sau thuế, tình hình sản xuất kinh doanh tổng thể sẽ tăng lên hoặc ổn định so với năm 2017. 6,6% DN dự định sẽ cắt giảm chi phí đối với hoạt động kinh doanh tương lai.
Các DN cho rằng, công nghệ số đang được coi là trọng tâm phát triển khi các hình thức kinh tế truyền thống dần trở nên bão hòa. Đặc biệt, phát triển công nghệ số sẽ giúp các DN thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, mở rộng thị trường, tăng năng suất, đồng thời giảm bớt chi phí kinh doanh.
Tuy nhiên, ngay cả ở những DN lớn, việc số hóa vẫn đặt ra nhiều bài toán khó khăn và nhiều công ty vẫn bó hẹp phạm vi ứng công nghệ trong phòng ban IT-kỹ thuật và chưa thực sự triển khai trong hoạt động của DN. Trả lời khảo sát của Vietnam Report, nhiều DN nhận định nguyên nhân dè dặt trong việc áp dụng công nghệ trong tiến trình số hóa là do yêu cầu nguồn vốn đầu tư lớn (40,6% phản hồi), thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao (35,9%) và những lo ngại về vấn đề an ninh mạng và bảo mật dữ liệu (32,8%).
Nhận định về những rào cản đối với quá trình phát triển, các DN vẫn tiếp tục khẳng định việc đẩy nhanh hơn quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính và cắt giảm đầu tư-kinh doanh trực tiếp của Nhà nước, là sự hỗ trợ không thể thiếu giúp DN phát triển trong năm 2018.
Nhiều DN phản hồi mong muốn Chính phủ đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, đánh giá năng lực cán bộ; kết hợp với cắt giảm đầu tư công; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và tái cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty lớn trong thời gian tới.
Tình hình kinh tế năm 2018 được dự báo sẽ phân hóa cao các DN, đặc biệt là đối với các DN hoạt động trong những ngành đặc thù. Khi thị trường ngày một biến động và có nhiều diễn biến mới đan xen, việc giữ vững vị thế và khẳng định uy tín DN sẽ ngày càng quan trọng. Chính uy tín sẽ là yếu tố quyết định, ảnh hưởng trực tiếp đến lựa chọn của người tiêu dùng, của nhà đầu tư và sự hỗ trợ từ phía Chính phủ.
- tối đa 150 từ
- tiếng Việt có dấu
- không chứa liên kết
TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ TÀI CHÍNH