Theo kết quả đánh giá, xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam 2017 do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố hôm nay (5/7), Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam và Thừa Thiên-Huế lần lượt dẫn đầu ở 3 khối: các Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố.
Cụ thể, tại bảng xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, 5 cơ quan xếp hạng cao nhất lần lượt là Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường; 5 cơ quan cuối bảng xếp hạng lần lượt là Thanh tra Chính phủ, Ủy ban dân tộc, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải.
Theo ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia Viện Chính sách và Phát triển Truyền thông, thành viên Hội đồng đánh giá xếp hạng, trong top 5 bộ và cơ quan ngang bộ đứng cuối bảng xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử, Thanh tra Chính phủ và Ủy ban dân tộc do đặc thù nên chưa cung cấp dịch vụ công trực tuyến (một trong những tiêu chí quan trọng để xếp hạng) có thể lý giải.
“Tuy nhiên, Bộ Công thương, một cơ quan liên quan trực tiếp rất nhiều đến doanh nghiệp, một trong những trụ cột quan trọng của kinh tế, lại đứng top cuối bảng xếp hạng về phát triển Chính phủ điện tử thì khó chấp nhận trong bối cảnh Đảng và Chính phủ đang quan tâm và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử”, ông Nguyễn Quang Đồng nhấn mạnh.
Tại khối các tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử, 5 tỉnh, thành phố có xếp hạng cao nhất lần lượt là Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Quảng Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh; 5 tỉnh, thành phố xếp hạng thấp nhất tương ứng là Lai Châu, Bình Phước, Kon Tum, Sóc Trăng và Hậu Giang.
Thế nhưng, ngay các tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng, chỉ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức rất thấp. Cao nhất là tỉnh Thừa Thiên – Huế, chỉ số này mới ở mức 0,239 (tương ứng hơn 20%).
Tính chung hết quý 2/2018, chỉ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ giao dịch chỉ đạt 11,54%. Điều này cho thấy mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử, trong đó có thủ tục hành chính điện tử còn quãng đường rất dài cần nỗ lực.
Phát biểu tại hội thảo quốc gia Chính phủ điện tử 2018 với chủ đề “Phát triển Chính phủ điện tử hướng tới nền hành chính hiện đại và hiệu quả” diễn ra ngày 5/7 tại Hà Nội, ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết, thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì nhiều cuộc họp về xây dựng Chính phủ điện tử để lắng nghe ý kiến của các cơ quan chức năng, các chuyên gia trong nước và quốc tế. Thủ tướng đã cử một đoàn công tác cấp Bộ trưởng đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của một số nước có trình độ phát triển Chính phủ điện tử cao như Hàn Quốc, Estonia và một số nước khác.
Đặc biệt, Chính phủ đã có kế hoạch rất cụ thể để ban hành Nghị quyết mới về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phát triển Chính phủ điện tử trong giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025.
“Thủ tướng Chính phủ cũng đã chuẩn bị cho việc thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn lại Ủy ban quốc gia về ứng dụng CNTT. Thủ tướng Chính phủ sẽ làm Chủ tịch Ủy ban này. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ làm Phó Chủ tịch; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ sẽ làm Tổng Thư ký của Ủy ban; các Bộ trưởng sẽ tham gia vào Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử trong thời gian tới”, ông Nguyễn Minh Hồng cho biết thêm.
“Thủ tướng Chính phủ cũng đang yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần đổi mới cách nghĩ, cách làm và phải làm một cách quyết liệt công tác cải cách hành chính, phải gắn chặt cải cách hành chính với ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử các cấp và coi CNTT là công cụ, phương thức đổi mới, phát triển”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, kết quả xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT/xây dựng Chính phủ điện tử được công bố sẽ là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương nắm được thực trạng, vị trí xếp hạng tương đối về mức độ ứng dụng CNTT của cơ quan, đơn vị mình, biết được những tồn tại, hạn chế để từ đó có kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại các cơ quan góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành và cải cách thủ tục hành chính góp phần cải thiện Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam./.
VOV – ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM