Nhà siêu nhỏ là một nhu cầu thiết yếu với điều kiện địa lý và kinh tế của Nhật nhưng những kiến trúc sư tài ba đã mang cả nghệ thuật và triết lý sống vào những ngôi nhà nhỏ này.
Một mảnh đất nhỏ có thể không làm bạn chú ý. Nhưng với kiến trúc sư người Nhật Yasuhiro Yamashita của Atelier Tekuto, mảnh đất ấy mang một vẻ đẹp tiềm ẩn, không gì sánh bằng.
Là một nhà thiết kế kyosho jutaku – hay còn gọi là nhà siêu nhỏ, Yamashita đã xây dựng hơn 300 ngôi nhà, mỗi căn lại có hình thù độc đáo và đầy cá tính.
Điểm chung duy nhất của những căn nhà này là kích thước – các dự án của Yamashita đều chỉ bắt đầu từ 17 mét vuông đất.
Nhu cầu nhà nhỏ của Nhật tăng cao, chủ yếu là do sự thiếu đất, giá bất động sản và thuế cao, cũng như nguy cơ động đất và sóng thần thường trực ở đất nước này.
Tuy nhiên, nhiều người chỉ đơn giản thích những ngôi nhà nhỏ hơn, với một phong cách sống tối giản.
KTS Yamashita chia sẻ: ‘Ở Nhật, có câu ‘Tatte hanjo nete ichijo’, nghĩa là bạn chỉ cần hơn một nửa tấm thảm tatami để đứng lên trên và một tấm thảm để ngủ.
Tư tưởng này đến từ Zen – một hình thái của Đạo Phật và niềm tin rằng con người chỉ cần những thứ cơ bản nhất để tồn tại.
Dĩ nhiên, khi nhìn thấy vẻ đẹp của những ngôi nhà siêu nhỏ này, bạn sẽ thấy chẳng có gì ‘cơ bản’ ở đây cả.
Cùng Gia Đình Mới tìm hiểu 7 nghệ thuật để những ngôi nhà nhỏ trở nên rộng rãi và dễ chịu hơn.
1. Chấp nhận những cái không hoàn hảo
KTS Yamashita cho biết: ‘Những mảnh đất không cân xứng có giá rẻ hơn nhiều. Và đó là nhiệm vụ của kiến trúc sư để dựng một tác phẩm nghệ thuật trên mảnh đất đó.
‘Lucky Drops’ (tạm dịch: những giọt may mắn) – một ngôi nhà ở trung tâm Tokyo là một ví dụ điển hình.
Được xây dựng trên một dẻo đất thừa giá rẻ vì nó có hình thang bất thường, chúng tôi đã phải rất sáng tạo nhưng kết quả thật đáng hài lòng.
Có một câu trong tiếng Nhật nghĩa là giọt rượu cuối cùng là giọt may mắn, chúng tôi đã lấy cảm hứng từ đó’.
2. Vươn lên bầu trời
‘Khi bạn nhìn vào một mảnh đất, có thể nó khá nhỏ, chỉ vài mét vuông. Nhưng bạn hoàn toàn có thể xây nhà cao hơn để tạo thêm diện tích.
Tôi thường cố gắng tạo ra cảm giác ngôi nhà đang vươn lên bầu trời, như thể bầu trời cũng là một phần của ngôi nhà.
Tôi cũng làm trần cao để tạo cảm giác rộng rãi hơn’ – vị KTS chia sẻ.
3. Sống cùng thiên nhiên
Theo lời KTS Yamashita, ở Nhật, khoảng 70% diện tích là đồi núi và rừng, chỉ có 30% diện tích đất khá bằng phẳng – phù hợp với các khu nhà và ruộng lúa hơn.
Tuy vậy, ông và các cộng sự không cố gắng cải tạo thiên nhiên mà sống chung với nó. Điều này thể hiện qua các thiết kế của họ.
Phần lớn các ngôi nhà được làm từ vật liệu thiên nhiên và có cửa sổ lớn để đón ánh nắng mặt trời.
4. Sáng tạo
Thay vì những góc vuông truyền thống, Yamashita thường cắt góc của ngôi nhà thành hình tam giác.
Điều này tạo ra nhiều diện tích bề mặt và nhiều chỗ mở cửa sổ hơn. Luôn có một góc mở lên trời.
Như vậy, khi mặt trời di chuyển, ngôi nhà sẽ luôn có ánh sáng tự nhiên.
5. Màu sắc tối giản – monochrome
Những gì bạn nhìn thấy làm nên 60% suy nghĩ của bạn về một không gian nào đó. Thử tưởng tượng bạn đang ở trong một vỏ trứng, với độc một màu sắc và đặc điểm bề mặt.
Không có điểm bắt đầu hoặc kết thúc thực sự nào, không một góc cạnh nào.
Đó là một hiệu ứng hình ảnh khiến cho không gian có cảm giác rộng ra. Trong bức ảnh này, màu trắng khiến cho diện tích được mở rộng.
6. Sử dụng các vật liệu phản quang
Vị KTS chia sẻ: ‘Để đánh lừa thị giác, tôi sử dụng thép không gỉ đã được đánh bóng. Chúng phản chiếu ánh sáng và làm rộng không gian, ví dụ như trong ngôi nhà này, tôi sử dụng thép không gỉ trong bếp và nhà tắm.’
7. Giấu đi chỗ để đồ
‘Mọi người thường tích trữ rất nhiều đồ theo thời gian. Tôi muốn giấu chúng đi, vì vậy tôi đã xây dựng một kho để đồ vô hình trong nhà.
Nếu bạn để nhà thoáng đãng và gọn gàng, mọi người khó mà đoán được diện tích nhà bạn’ – Yamashita tiết lộ.
GIADINHMOI.VN