Sau cổ phần hoá, Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty CP Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed), Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đều tăng trưởng ấn tượng.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sau cổ phần hóa hầu hết đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên.
Còn theo báo cáo tổng hợp kết quả hoạt động từ 350 doanh nghiệp sau cổ phần hoá năm 2015 của Bộ Tài chính, so với trước khi cổ phần hoá, lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp này tăng 49%, nộp ngân sách tăng 27%, tổng tài sản tăng 39%, doanh thu tăng 29%, thu nhập bình quân của người lao động cũng tăng 33%.
Vinamilk bắt đầu thực hiện cổ phần hóa từ tháng 12/2003. Trước ngày cổ phần hóa (1/12/2003), doanh nghiệp này có vốn điều lệ 1.590 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông Nhà nước chiếm 50,01% cổ phần, nội bộ chiếm 13,10% và bên ngoài chiếm 36,89%.
Đến nay, doanh thu của doanh nghiệp này đã tăng hơn 10 lần, nộp ngân sách tăng hơn 6 lần, vốn chủ sở hữu tăng 13 lần. Cụ thể, doanh thu đã tăng từ 451,6 tỷ đồng (năm 2003) lên hơn 40.223 tỷ đồng vào năm 2015. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng từ 56 tỷ đồng lên 7.770 tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng trưởng 29%.
Tổng tài sản của Vinamilk tính đến ngày 31/12/2015 đạt gần 27.480 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 20.924 tỷ đồng. Công ty hiện có hơn 8.200 tỷ tiền gửi có kỳ hạn (tăng 1.300 tỷ trong năm 2015) và 490 tỷ đồng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Thống kê cho thấy, 10 năm cổ phần hóa, Vinamilk cũng đã nộp ngân sách nhà nước gần 19.000 tỷ đồng.
Doanh nghiệp này ôm tham vọng đạt doanh thu 3 tỷ USD, có tên trong danh sách 50 công ty sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017. Để làm được điều này, công ty dự định sẽ đưa tổng số đàn bò từ các trang trại và của các hộ nông dân lên khoảng 160.000 con vào năm 2017 và khoảng 200.000 con vào năm 2020.
Từ năm 2018, công ty có thể sẽ mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sữa bằng cách tăng thêm công suất nhà máy sữa nước tại Bình Dương lên gấp đôi so với hiện tại.
Tuy vậy, trong phiên chào bán cạnh tranh cổ phiếu Vinamilk tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM chiều 12/12 vừa qua, chỉ có 60% cổ phần được mua, 40% còn lại trong lô 9% chào bán của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) bị ế.
Tập đoàn Fraser and Neave (F&N) là đơn vị đã mua 60% cổ phần đấu giá trên với giá 500 triệu USD (144.000 đồng/cổ phần). Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV SCIC, cho rằng dù chỉ bán được 60% số lượng cổ phần đưa ra, nhưng “tôi nghĩ đây là phiên chào bán thành công của SCIC”.
Còn theo đánh giá của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI), phiên đấu giá này đã không đạt mục tiêu ban đầu mà Bộ Tài chính và SCIC đặt ra, đó là bán lẻ rồi tiếp tục chia nhỏ lô cổ phiếu để mong muốn tạo sự công bằng cho nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế có cơ hội tham gia mua cổ phần tại Vinamilk.
Từ đợt chào bán này, VAFI cho rằng kinh nghiệm cho những lần đấu giá cổ phần Nhà nước tiếp theo không nên tổ chức bán lẻ vì nếu làm như vậy thì ngân sách Nhà nước sẽ thất thu và việc bán cổ phần sẽ trở nên rất khó khăn hoặc không bán được.
Vinaseed: Doanh thu tăng 20 lần
Công ty CP Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) sau cổ phần hóa đến nay có doanh thu tăng 20 lần, lợi nhuận tăng 40 lần, tổng tài sản tăng 22 lần, vốn chủ sở hữu tăng 40 lần.
Bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinaseed cho hay đơn vị khởi đầu sau cổ phần hóa với vốn điều lệ chỉ 13 tỷ đồng trong đó quá nửa là nợ khó đòi. Đến năm 2015, doanh thu của công ty đạt 1363 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 157 tỷ đồng, gấp 40 lần so với trước khi cổ phần hóa. Đến năm 2015, tổng tài sản của công ty là 1557 tỷ đồng trong đó vốn chủ sở hữu là 1002 tỷ đồng.
Vinaseed từ doanh nghiệp “trung ương quy mô địa phương” đã vươn thành doanh nghiệp hàng đầu trong ngành. Theo bà Liên, thành công lớn nhất của họ sau 10 năm phát triển là xây dựng được đội ngũ nhân sự có trình độ, đủ khả năng tiếp nhận cũng như nghiên cứu phát triển những sản phẩm có chất lượng cao.
Trước khi cổ phần hóa, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam lỗ 1.666 tỷ (năm 2011). Sau khi cổ phần hóa đã có lợi nhuận hơn 3.000 tỷ đồng (năm 2015), chia cổ tức cho cổ đông ngay trong năm đầu là 12,14%.
Theo báo cáo tài chính quý III/2016 của tập đoàn này, tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế của tập đoàn là hơn 4.000 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch và bằng 160% so với cùng kỳ.
Tuy vậy, tập đoàn này bị cho là mắc nhiều sai phạm. Cụ thể, theo Thanh tra Chính phủ, Petrolimex đã đầu tư tài chính ngoài ngành nghề kinh doanh chính (ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản) với tổng số tiền hơn 2.255 tỷ đồng.
Trong đó, nhiều khoản đầu tư với giá trị lớn không đúng quy định như tăng vốn đầu tư vào PG Bank 400 tỷ đồng (chiếm 40% vốn điều lệ của đơn vị nhận góp vốn) và Công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex 171,3 tỷ đồng (chiếm 51% vốn điều lệ của đơn vị nhận vốn góp). Các khoản đầu tư này đều không có sự chấp thuận của Bộ Công Thương và Thủ tướng.
Petrolimex cũng bị cho là có nhiều sai phạm trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh của tập đoàn và các công ty xăng dầu thành viên.
Ngoài 3 ví dụ điển hình trên, nhiều doanh nghiệp nhà nước khác sau khi cổ phần hóa cũng phát triển mạnh hơn như Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Công ty cổ phần Vinacafe Biên Hòa, Nhựa Bình Minh…
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lại rơi vào tình cảnh bết bát hơn, lợi nhuận liên tục giảm, số nợ phải trả tăng như Tập đoàn Cao su Việt Nam (lợi nhuận giảm từ 11.838 tỷ đồng năm 2011 xuống còn 2.200 tỷ năm 2015; công nợ phải trả năm 2015 là 21.220 tỷ trên vốn điều lệ là 35.210 tỷ đồng)…
Có 25 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần như Tổng công ty phát thanh truyền hình thông tin; Tổng công ty Xăng dầu Quân đội, Tổng công ty 36, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam…
Từ 23/12, doanh nghiệp ‘họ’ quân đội sẽ công khai tài chínhTình hình tài chính của các doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Quốc phòng sẽ minh bạch kể từ ngày 23/12 khi bắt buộc phải công khai trong tuần sau theo yêu cầu từ Bộ. |
Kiều Vui
ZING.VN