Qua 30 năm đổi mới và sau hơn 5 năm thực hiện đề án nông thôn mới (từ 2009), cũng như đô thị, nông thôn Việt Nam đã có nhiều bước đổi mới trong điều kiện kinh tế thị trường.
Chưa có một đánh giá tổng thể thấu đáo về sự phát triển trong thời gian qua, song thực tế cho thấy, bên cạnh những thành tựu đạt được, nông thôn Việt Nam nói chung và kiến trúc nông thôn nói riêng đang gặp phải rất nhiều những thách thức, và những mảng tối trong kiến trúc nông thôn đang hiện lên rõ nét.
Cấu trúc làng truyền thống bị phá vỡ, thiếu quy hoạch bảo tồn và phát triển
Nông thôn, hay nói một cách đơn giản hơn là làng Việt, là cái nôi của quần cư, là điểm xuất phát của nền văn minh. Từ ngàn đời nay, người dân đã ở trong những cộng đồng như thế, môi trường như thế. Cho tới nay, những năm đầu của thế kỷ 21, khi mà đất nước đang phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; thì quần cư nông thôn vẫn chiếm khoảng 75%, tương ứng với dân số cùng với cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Đó là một con số không hề nhỏ. Thế nhưng quần cư nông thôn trên khắp đất nước, từ đồng bằng tới miền núi, vùng biển đang vấp phải những tác động tiêu cực trong quá trình phát triển.
Cấu trúc ngôi làng truyền thống xưa đang bị phá vỡ bởi cơn lốc đô thị hoá và sự chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Khung cảnh làng quê dường như không còn yên bình nữa. Các yếu tố văn hoá truyền thống cũng mai một dần. Hình ảnh quen thuộc cây đa, bến nước, sân đình… không còn tiêu biểu, không còn là điểm nhấn của làng quê.
Trước kia, mô hình sinh sống và sản xuất ở nông thôn là tự cung tự cấp, hoặc sự trao đổi, giao lưu nếu có thì giới hạn trong phạm vi nhỏ. Mọi việc từ sản xuất nông nghiệp, làm nhà, đi chợ… đều có thể gói gọn trong phạm vi làng xã. Mọi sinh hoạt, hoạt động lao động, xây dựng đều thừa kế truyền thống, tập tục, thói quen của cha ông để lại.
Nông thôn bây giờ đã khác, tỷ trọng ngành nông nghiệp, nghề truyền thống giảm, các loại hình dịch vụ thương mại tăng nhanh; dân số cũng tăng nhanh (nhưng cũng có nơi giảm mạnh vì chuyển dịch lao động), phạm vi quan hệ cộng đồng không còn bó hẹp nữa khi mà điện thoại, tivi, internet đã có mặt ở rất nhiều nơi. Sự gia tăng dân số dẫn đến mật độ xây dựng tăng. Và những điều đó dần dần phá vỡ cấu trúc làng truyền thống. Một điều cần đáng nói là ở nông thôn, luật pháp xây dựng chưa áp dụng hoặc không có khả năng thực thi, trong khi đó những thiết chế văn hoá, quy ước cộng đồng lại dần không còn giá trị; thì đó là cơ hội để bùng phát những tác nhân tiêu cực trong việc xây dựng phát triển.
Thực tế cho thấy kiến trúc nông thôn và người nông dân đang bị lãng quên, bỏ mặc. Những đề án phát triển nông thôn dường như chỉ tập trung vào những chỉ số phát triển kinh tế, hoặc theo kiểu “điện – đường – trường – trạm” mà bỏ quên cãi lõi của nông thôn là cấu trúc làng, không gian làng. Các bản quy hoạch chưa đi sâu vào yếu tố then chốt là văn hoá, để có điểm tựa cho phát triển.
Bên cạnh đó, có rất nhiều làng, hay vùng nông thôn có giá trị lịch sử cần được bảo tồn nhưng cũng không được quan tâm đúng mức. Nói chung, ở cả hai vấn đề bảo tồn và phát triển thì kiến trúc nông thôn đều thiếu vắng. Người dân loay hoay tự giải quyết mọi vấn đề theo cách nhìn và cách nghĩ của họ. Những quy hoạch nông thôn dường như chỉ mang tính “phủ kín” mà còn quá nhiều vấn đề bất cập. Không cần nói nhiều mà thực tế những gì đang diễn ra đã chỉ rõ điều ấy. Rất nhiều làng quê đã từng là không gian đẹp đến kinh điển đã đi vào phim ảnh đã thay đổi đến ngỡ ngàng theo chiều hướng tiêu cực, chỉ để lại sự ngậm ngùi tiếc nuối.
Hạ tầng quá tải, môi trường ô nhiễm
Sự thay đổi về mặt xã hội, văn hoá, lối sống ở nông thôn nhanh chóng tác động đến các vấn đề xây dựng. Mô hình nhà ở nhiều thế hệ kiểu tam đại, tứ đại đồng đường bây giờ còn rất ít. Các gia đình trẻ có xu hướng ra ở riêng, với nhà riêng. Đất đai nông nghiệp, đất ao, sân – vườn, đất cây xanh… dần nhường chỗ cho nhà ở.
Không có quy hoạch, không có hướng dẫn, không có thiết chế, người dân ở nông thôn mạnh ai nấy làm. Đất vườn tổ tiên chia năm xẻ bảy, nhà mọc lên san sát. Hạ tầng trở nên quá tải. Trước kia, con đường làng nhỏ, chỉ dành cho đi bộ hay dắt gia súc. Nhưng nay nhà nhiều hơn, người đông hơn, xe nhiều hơn… thì những con đường làng ấy không còn đáp ứng nổi. Rất nhiều nơi đã có ô tô đi lại trong làng. Và ở nông thôn cũng có tắc đường chứ không phải riêng đô thị.
Những khoảng đất lưu không (có thể thuộc sở hữu của người dân hay công cộng) dần bị tận dụng để xây dựng công trình; ao hồ, kênh mương bị lấp… Có một nghịch lý ở nhiều nơi đã xảy ra: Đó là trước kia dù không có cống thoát nhưng làng không bao giờ bị ngập, nhưng đến nay, nhiều nơi có cống thoát lại vẫn ngập khi trời mưa. Tại vì sao? Vì nguyên nhân đã nói ở trên: Khả năng thoát nước tự nhiên theo cách thẩm thấu đã bị hạn chế, vào những nơi chứa nước như ao, hồ, đầm dần không còn. Mặt nước ít đi, cây xanh ít đi và đương nhiên không khí môi trường không còn trong lành nữa. Bê tông hoá bề mặt khiến lượng bức xạ mặt trời tăng, môi trường nóng lên.
Việc xử lý chất thải trước kia rất đơn giản, đều nhờ vào đất thành một vòng tuần hoàn. Các loại rác đa phần là chất hữu cơ, có thể phân huỷ nhanh trong đất hay chất thải sinh hoạt trở thành phân bón ruộng. Nhưng rác thải ở nông thôn bây giờ là một vấn nạn. Tất cả đều thải trực tiếp vào môi trường và hậu quả là đất ô nhiễm, nước ô nhiễm. Rác thải sinh hoạt hầu như không có giải pháp nào khác ngoài việc gom đống lại và đốt, không qua xử lý. Trong khi đó, do nhu cầu sinh hoạt, các loại rác thải là chất vô cơ và các hoá chất độc hại ngày càng tăng lên. Với một số làng nghề thì càng là vấn đề trầm trọng bởi rác thải và nước thải sản xuất. Có nhiều nơi đã trở thành làng ung thư bởi ô nhiễm môi trường.
Một vấn đề khác là không gian nghĩa địa. Nghĩa địa làng là một không gian đặc biệt gắn bó với làng. Nhưng hiện nay, do dân số tăng nhanh và không có quy hoạch dự báo, không gian nghĩa địa cũng là một vấn đề hết sức nan giải. Không gian này cũng không khác gì không gian sống, mật độ xây dựng cao, vô cùng lộn xộn. Với sự phát triển mở rộng của không gian người sống và không gian người chết thì hai nơi này ngày càng gần nhau và ô nhiễm môi trường là điều không thể tránh khỏi.
Kiến trúc truyền thống mai một, kiến trúc mới lai căng, phi bản sắc
Nói tới làng quê, ai cũng liên tưởng tới hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình.., hình ảnh những ngôi nhà mái ngói với hàng cau trước sân, trong bao cảnh cây xanh, mặt nước. Những hình ảnh đó ngày càng ít đi, thậm chí ở nhiều làng đã không còn. Kiến trúc truyền thống đang bị mai một trong cả việc tổ chức không gian và kiểu dáng công trình cụ thể. Cấu trúc ngôi nhà truyền thống kiểu như nhà đồng bằng Bắc Bộ ba gian hai chái quay hướng nam (hoặc đông nam) với khoảng sân, hàng cau trước nhà không còn là điều lý tưởng, mơ ước nữa.
Xã hội đã thay đổi, nhu cầu cuộc sống đã thay đổi, con người cần tiện nghi hơn. Không thể trách người dân khi họ dùng bếp gas thay cho bếp củi rơm, dùng xí bệt thay cho hố xí hai ngăn lạc hậu. Song rõ ràng có một khoảng đứt gãy ở kiến trúc nông thôn mà chúng ta cần phải thừa nhận. Thông tin được đón nhận nhiều và đa dạng hơn, các loại vật liệu mới xuất hiện và người dân dần không còn mặn mà với nếp nhà truyền thống cùng vật liệu truyền thống. Những kiến trúc này dần biến mất và thay thế vào đó là muôn kiểu nhà mới theo lối nhà phố.
Việc cấu trúc làng bị phá vỡ là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến kiểu nhà này, khi mà không gian sân vườn, ao không còn nữa khi mật độ dân cư tăng, mật độ xây dựng tăng lên. Nguời ta đã thích hơn một ngôi nhà hình ống nhiều tầng bám ra mặt đường hơn là một nếp nhà mái ngói với khoảng sân đằng trước. Một khi nghề nông bị lạnh nhạt thì khoảng sân cũng không còn nhiều ý nghĩa; mà một vị trí gần đường gần chợ tiện cho dịch vụ, kinh doanh được ưu ái hơn.
Nhà chia lô ngày càng xuất hiện nhiều ở nông thôn trên các trục đường. Ngay trong lõi của làng, nhà chia lô cũng xuất hiện dày đặc tạo nên kiểu “phố trong làng”. Mặt tiền trở nên đắt giá. Đi cùng với suy nghĩ ấy, xu hướng ấy là sự mai một, lụt nghề của các phường nghề mộc, các cơ sở vật liệu truyền thống như gốm, ngói. Người dân thích nhà mái bằng hơn nhà mái ngói và tự “thiết kế” lấy ngôi nhà của mình. Kiến trúc mới ở nông thôn hiện tại là một sự tạp nham ô hợp của các kiểu kiến trúc lai căng, nửa mùa mà người dân cóp nhặt, bắt chước.
Có thể thấy đủ các kiểu, các phong cách kiến trúc trong nhà ở nông thôn, nhưng đó chỉ là những chi tiết biệt dị chứ không phải căn cơ tổng thể. Nhưng nghịch lý là ở chỗ họ coi đấy là đẹp, cũng như một quan niệm khác cho rằng “to” mới là đẹp. Kiến trúc nhà nông thôn bây giờ cũng bị cắt đứt phũ phàng với những yếu tố quan trọng trong quá khứ để tạo nên vẻ đẹp làng quê như sân, vườn, ao, cây cối, hàng rào xanh…
Ở mảng công trình công cộng, là một sự nhợt nhạt vô hồn. Những công trình như trụ sở, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá, chợ… khắp mọi nơi nhang nhác nhau, đồng bằng cũng như vùng núi, vùng biển. Đây là kết quả của một phần đề án phát triển nông thôn mới ở mảng hạ tầng xã hội chỉ chú trọng số lượng mà không có chiều sâu.
Khí hậu, địa hình khác nhau, văn hoá địa phương khác nhau, nhưng những công trình công cộng ở nông thôn không có bản sắc, và thiếu sự kết nối với cấu trúc làng truyền thống. Một số công trình, cũng là thiết chế văn hoá của làng xưa như đình, chùa, đền… không còn là điểm nhấn và không phát huy giá trị văn hoá trong cộng đồng. Và từ đó, thiếu sự tiếp nối, kế thừa với kiến trúc, văn hoá truyền thống.
Công tác bảo tồn trùng tu di tích – di sản méo mó
Nông thôn là nơi chứa đựng một lượng lớn di sản kiến trúc – văn hoá của tiền nhân. Đó là đình, chùa, đền, miếu, văn từ – văn chỉ. Đó không chỉ là những công trình kiến trúc mà còn là những pho sử, là thiết chế văn hoá của làng quê. Đã có một thời ấu trĩ, người ta dỡ đình phá chùa để “bài trừ mê tín dị đoan”. Thời ấu trĩ ấy đã qua. Nhưng những di sản còn lại ngày hôm nay vẫn tiếp tục kêu cứu. Sự xuống cấp của nhiều công trình do thời gian, thiên nhiên là chuyện đương nhiên. Nhưng công tác trùng tu, bảo tồn lại lắm vấn đề bất cập.
Các cơ quan quản lý văn hoá, các đơn vị tư vấn không thể quan tâm phủ kín tất cả. Và cũng như nhà ở, người dân loay hoay tự làm theo cách thức và suy nghĩ của họ. Thiếu tri thức, thiếu hiểu biết, quan niệm sai đã dẫn đến hàng loạt những hệ quả vô cùng tiêu cực trong công tác bảo tồn trùng tu di tích.
Người ta quan niệm rằng, “to” mới là đẹp, “mới” mới là đẹp. Và từ đó, rất nhiều di sản kiến trúc ở nông thôn đã bị “trùng tu” sai cách. Những yếu tố gốc có giá trị lịch sử bị loại bỏ, những vật liệu truyền thống không được kế thừa. Rất nhiều công trình cổ hàng trăm năm tuổi sau khi trùng tu trở thành công trình như xây mới. Cũng ở rất nhiều nơi người ta sẵn sàng phá bỏ di tích cũ đi để xây lại từ đầu cho “to hơn”, “đẹp hơn”, với kiến trúc mới không kế thừa và chả ăn nhập gì với không gian cũ.
Dường như người ta cho rằng phải xây dựng thêm phải đắp điếm thêm, phải tô vẽ cầu kỳ thì mới tôn vinh di sản, làm di sản đẹp hơn. Những tượng thờ, linh vật đặt vô tội vạ không đúng nơi đúng chỗ. Cơn bão du lịch, sự biến đổi trong đời sống tâm linh và tâm thức người dân đã vô tình tiếp tay cho việc bảo tồn, trùng tu di sản méo mó, chạy theo mốt và theo đồng tiền, không đúng bản chất vấn đề.
Một vấn đề khác mà bên trên đã đề cập, là việc cấu trúc làng bị phá vỡ, mật độ xây dựng, mật độ cư trú tăng lên đã trực tiếp xâm phạm đến các không gian di tích, di sản. Các ngôi nhà ở cao tầng vươn lên xung quanh, tạo cho không gian đình chùa bé nhỏ và mất vẻ tôn nghiêm. Những thiết chế văn hoá, quy ước làng xã, nghi lễ… dần dần mai một cũng ảnh hưởng trực tiếp đến các công trình di sản trong vai trò văn hóa với cộng đồng. Nhưng đâu đó cũng có chiều ngược lại, là việc quá “quan tâm”, đề cao vai trò, thần thánh hoá vô căn cứ tạo nên sự biến tướng về mặt tâm linh, làm cho nhiều công trình di tích, di sản trở nên xô bồ, hỗn loạn, đánh mất sự yên bình của làng quê.
Vĩ thanh
Rõ ràng, nông thôn Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn với rất nhiều vấn đề, không hề kém đô thị. Nhưng dường như những vấn đề của nông thôn – đặc biệt là kiến trúc không được quan tâm. Và cần phải hiểu rằng, kiến trúc không chỉ là kiểu dáng ngôi nhà, mà là vấn đề lớn có sự liên quan mật thiết tới nhiều yếu tố khác. Đô thị hoá là một quá trình tất yếu, chúng ta không thể chối bỏ và cũng không thể giữ nguyên nông thôn lạc hậu để bảo tồn truyền thống.
Để phát triển nông thôn đi đúng hướng, hiện đại, tiện nghi mà vẫn giữ gìn bản sắc kiến trúc, văn hoá là một việc quan trọng trong tiến trình phát triển đất nước. Ngoài những chính sách có tính vĩ mô của nhà nước, các đề án của bộ, ban, ngành, thì giới kiến trúc sư cần quan tâm hơn nữa tới nông thôn, tới làng quê. Để thấy rằng, chính sức mạnh phát triển, linh hồn của đất nước, văn hoá cộng đồng, tinh thần của mỗi con người chính là sự tiềm ẩn bền sâu từ ngôi làng Việt./.
Mọi thông tin, bài viết cộng tác của độc giả cho chuyên mục Đời sống có thể gửi cho chúng tôi theo địa chỉ: [email protected]
VOV – ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM