Công trình được xây trên mảnh đất có diện tích 41,8 m2. Đặc điểm của mảnh đất là có 6 cạnh nhưng không vuông góc với nhau.
Do đó, nhóm kiến trúc sư đã phải thảo luận kỹ, lên phương án thiết kế sao cho tận dụng tối đa quỹ đất eo hẹp, các góc chết của mảnh đất và đảm bảo không gian chính vuông vắn, gọn gàng, có tính thẩm mỹ.
Nhóm kiến trúc sư đã tận dụng các góc chết để xây hệ thống kỹ thuật như hộp gen, hệ cột, phòng vệ sinh. Ban công được thiết kế dựa theo góc xéo của mảnh đất, tạo điểm nhấn ở mặt ngoài căn nhà, giúp cho không gian phòng ngủ, phòng khách vuông vắn.
Việc tối giản trong đường nét, màu sắc chất liệu giúp ngôi nhà méo trở nên rộng rãi và thoáng đãng hơn so với diện tích vốn có.
Tầng trệt được bố trí bếp và bàn ăn. Không gian được thiết kế mở, giữa nhà được bỏ trống để chủ nhà có thể để xe hơi khi cần thiết, là nơi lý tưởng dành cho bạn bè và họ hàng của gia chủ tới chơi.
Các kiến trúc sư đã tận dụng khoảng không dưới cầu thang để giấu kín tủ giày, nhà vệ sinh và một tủ kho nhỏ. Việc ẩn đi các yếu tố trên giúp cho ngôi nhà trở nên gọn gàng, sạch sẽ và khiến không gian trở nên rộng hơn.
Với nhà có diện tích nhỏ, việc dành một phần diện tích cho giếng trời là điều xa xỉ. Tuy nhiên, nếu nhà không có giếng trời thì việc lưu thông không khí sẽ bị cản trở, việc lấy ánh sáng vào nhà cũng trở nên khó khăn.
Để giải quyết vấn đề trên, nhóm kiến trúc sư đã kết hợp cầu thang bộ và giếng trời bằng việc sử dụng tấm sắt có đục lỗ làm mặt bậc. Tiêu chí của cầu thang sắt là phải đơn giản, tiết diện nhỏ tối đa giúp cho không khí lưu thông, ngôi nhà đón được ánh sáng.
Căn nhà được hoàn thiện vào năm 2018, với chi phí 2,3 tỷ đồng. Tầng lửng là nơi được bố trí làm phòng khách đồng thời là phòng sinh hoạt chung.
Gia chủ ít tiếp khách nên công năng tiếp khách được đánh giá là yếu tố phụ. Vì thế, nhóm kiến trúc sư không bố trí những bộ ghế sofa lớn ở phòng khách mà đặt đồ nội thất dễ di chuyển khi cần thiết. Tại đây, cả nhà có thể nằm xem phim thoải mái hoặc nghe nhạc vào một chiều cuối tuần rảnh rỗi.
Lầu 1 là phòng ngủ – học – chơi của hai con trai gia chủ. Giường tầng được bố trí ở một bên nhà, giúp giấu đi nhược điểm đất méo.
Đối diện giường ngủ là tủ quần áo và bàn học. Còn lại, phần lớn diện tích ở giữa nhà được để trống giúp cho hai bạn nhỏ có thể chơi đùa thỏa thích.
Lầu 2 là phòng ngủ của gia chủ. Nếu ở lầu 1, nhóm kiến trúc sư dành phần lớn không gian cho hai bé chơi đùa thì lầu hai được bố trí nhỏ gọn, ấm cúng hơn.
Một phần diện tích lầu 2 được bố trí để làm phòng thay đồ đáp ứng yêu cầu gia chủ. Việc bố trí các không gian phụ trợ ở những chỗ đất méo giúp tận dụng diện tích, khiến không gian chính bên trong trở nên vuông vắn.
Cửa bản lề sàn ở phòng vệ sinh được thiết kế tạo thành mảng thống nhất với vách ti vi bên ngoài. Từ đó giúp cho không gian trở nên đơn giản, rộng rãi hơn.
Không gian tầng thượng vừa là chỗ trồng rau, giặt – phơi đồ của người mẹ, vừa là không gian chơi đùa của trẻ nhỏ và là chỗ nhậu của bố mỗi khi có dịp.
Theo Ngoisao.net
GD&TĐ