Con số tiếp tục tăng trong năm 2016 vừa qua, khi có đến 7 nhà thầu Trung Quốc lọt vào top 10 nhà thầu có doanh thu cao nhất thế giới.
Dưới đây là danh sách 10 nhà thầu có doanh thu cao nhất thế giới, theo xếp hạng trong top 250 ENR 2016:
China State Construction Engineering Corporation (Trung Quốc)
Tổng doanh thu: 115,1 tỷ USD
Doanh thu quốc tế: 8,7 tỷ USD
Tại thị trường nội địa, các dự án nổi bật năm 2015 đã góp phần không nhỏ vào doanh thu của China State Construction Engineering Corporation, bao gồm: Tổ hợp giải trí Zhengzhou Jinrong International Plaza (1,5 tỷ USD), Dự án Nhà máy Điều chế Etylen ở Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh (626 triệu USD), Dự án Xây dựng Raffles City tại Trùng Khánh (460 triệu USD), Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu tại Dinh Khẩu, tỉnh Liêu Ninh (220 triệu USD).
Đóng góp vào mảng doanh thu quốc tế của hãng này phải kể đến các dự án như: Tổ hợp trung tâm thương mại và cao ốc Wanda ONE Nine Elms tại London (637 triệu USD), Dự án Xây dựng cầu Temburong ở Brunei (330 triệu USD), Dự án Xây dựng tòa cao ốc làm trụ sở cho Ngân hàng thương mại của Ethiopia (266,5 triệu USD).
Nhìn chung, doanh thu của China State Construction Engineering Corporation phần lớn đến từ các dự án xây dựng tổ hợp trung tâm thương mại, cao ốc (79 dự án).
China Railway Group (Trung Quốc)
Tổng doanh thu: 112,7 tỷ USD
Doanh thu quốc tế: 6 tỷ USD
Khác với China State Construction Engineering Corporation, các dự án của China Railway Group đa phần là dự án xây dựng hệ thống giao thông vận tải (61 dự án). Trong đó, một dự án nổi bật không chỉ có giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị, là Dự án Xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối giữa thủ đô Moscow và TP. Kazan của Nga trị giá 19,5 tỷ USD, dự kiến hoàn tất vào năm 2020. Cũng trong năm 2015, China Railway Group trúng thầu một dự án đường sắt ở Hungary trị giá 1,57 tỷ USD.
Hồi tháng 6/2016, China Railway Group gặp phải rắc rối khi phía Mỹ hủy hợp đồng Dự án Xây dựng đường sắt cao tốc Las Vegas – Los Angeles trị giá 5 tỷ USD với nhà thầu này, khiến cổ phiếu China Railway Group giảm mạnh. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch China Railway Group tự tin khẳng định rằng, việc các nhà thầu Trung Quốc xây dựng các dự án đường sắt ở nước ngoài vẫn đang là xu hướng, bằng chứng là lợi nhuận của Công ty đã tăng 14% trong 6 tháng đầu năm 2016.
China Railway Construction Corporation (Trung Quốc)
Tổng doanh thu: 96 tỷ USD
Doanh thu quốc tế: 2,4 tỷ USD
Các dự án của China Railway Construction Corporation cũng đa phần là dự án xây dựng hệ thống giao thông vận tải (69 dự án), trong đó chủ yếu là các dự án trong nước. Nhà thầu này cũng đảm nhiệm một số dự án đường sắt tại nước ngoài như ở Thái Lan, Nigeria, Thụy Điển…
China Communications Construction Group (Trung Quốc)
Tổng doanh thu: 68,3 tỷ USD
Doanh thu quốc tế: 19,3 tỷ USD
Nếu xét riêng về lĩnh vực giao thông vận tải, số dự án của China Communications Construction Group còn nhiều hơn cả China Railway Group và China Railway Construction Corporation (86 dự án). Không chỉ ở mảng xây dựng đường sắt, nhà thầu này còn mở rộng sang các dự án bến cảng, đường cao tốc, sân bay. Chính nhờ sự đa dạng hóa đó, China Communications Construction Group có mặt tại nhiều quốc gia hơn so với các nhà thầu Trung Quốc khác, với những dự án có quy mô lớn hơn, nhờ vậy mà mảng doanh thu quốc tế của hãng này cao hơn cả doanh thu quốc tế của 3 nhà thầu ở vị trí top đầu cộng lại.
Vinci (Pháp)
Tổng doanh thu: 43,5 tỷ USD
Doanh thu quốc tế: 18 tỷ USD
Là nhà thầu lớn nhất châu Âu, Tập đoàn Vinci hoạt động trong khá nhiều lĩnh vực, từ các dự án xây dựng cao ốc, nhà máy năng lượng cho tới giao thông vận tải. Đặc biệt, phải kể đến 8 dự án hạ tầng viễn thông, lĩnh vực mà chưa có nhà thầu Trung Quốc nào đặt chân vào được.
Ngoài thị trường nội địa, đối tác chính của Vinci là Mỹ và các nước châu Âu. Riêng tại Việt Nam, Tập đoàn Vinci đã ký kết với Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) hợp đồng nhượng quyền khai thác hai dự án cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình và Long Thành – Dầu Giây, đánh dấu sự hợp tác chiến lược trong lĩnh vực kinh tế giữa Pháp và Việt Nam.
Power Construction Corporation (Trung Quốc)
Tổng doanh thu: 39,3 tỷ USD
Doanh thu quốc tế: 11,4 tỷ USD
Nhà thầu Power Construction Corporation chuyên biệt về các dự án năng lượng, nằm trong top 10 ở lĩnh vực này với số lượng dự án cao vượt trội (48 dự án), xếp sau là Tập đoàn Vinci với khoảng cách khá xa (13 dự án).
ACS, Actividades De Construccion Y Servicios SA (Tây Ban Nha)
Tổng doanh thu: 38,6 tỷ USD
Doanh thu quốc tế: 32,1 tỷ USD
Với thâm niên 20 năm trong ngành, ACS là nhà thầu có doanh thu quốc tế lớn nhất trong top 10. Mảng doanh thu quốc tế này chiếm tới 83% tổng doanh thu của Công ty. Đây cũng là nhà thầu tham gia vào nhiều lĩnh vực nhất trong top 10, từ xây cao ốc, nhà máy sản xuất, năng lượng, thủy điện, cho đến giao thông vận tải, viễn thông.
China Metallurgical Group Corporation (Trung Quốc)
Tổng doanh thu: 33,1 tỷ USD
Doanh thu quốc tế: 2,7 tỷ USD
Các dự án của China Metallurgical Group Corporation chủ yếu nằm ở hai mảng là xây dựng cao ốc (41 dự án) và xây dựng nhà máy lọc hóa dầu (34 dự án).
Bouygues Sa (Pháp)
Tổng doanh thu: 28,2 tỷ USD
Doanh thu quốc tế: 13,4 tỷ USD
Doanh thu của nhà thầu Bouygues Sa đa phần đến từ xây dựng cao ốc (32 dự án) và xây dựng hệ thống giao thông vận tải (48 dự án). Thời gian qua, Bouygues Sa đã và đang đẩy mạnh tập trung vào nhiều dự án thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương như ở Hồng Kông, Singapore, Thái Lan, Myanmar, Australia, Hàn Quốc và Việt Nam.
Shanghai Construction Group (Trung Quốc)
Tổng doanh thu: 26 tỷ USD
Doanh thu quốc tế: 680 triệu USD
Shanghai Construction Group là nhà thầu có số dự án xây dựng cao ốc nhiều nhất trong top 10 (82 dự án), tuy nhiên các dự án này chủ yếu là dự án nội địa, nên doanh thu quốc tế của hãng này ở mức thấp hơn hẳn so với các đơn vị còn lại trong top 10.
BÁO ĐẤU THẦU