“Con người có tổ có tông” – cha ông xưa đã căn dặn vậy! Thế nên, vun đắp cho dòng họ, làm được gì đó cho dòng họ là điều ai cũng tâm huyết và thấy mát lòng. Hà Tĩnh nói riêng, Nghệ Tĩnh nói chung là vùng của nhiều dòng họ nức tiếng. Với truyền thống khoa bảng và võ thuật, nhiều dòng họ đã là niềm tự hào không chỉ những người đồng tông mà còn là của một vùng quê, một xứ sở như: họ có 18 quận công – Ngô Trảo Nha, Nguyễn Huy – Tràng Lưu (Can Lộc), Phan Huy (Lộc Hà), Nguyễn Tiên Điền (Nghi Xuân), Võ (Hà Hoàng xưa)… Các dòng họ này quả là danh thơm lừng lẫy một vùng, để lại cho đất nước nhiều danh nhân lỗi lạc, đóng góp cho các triều đại, các thời kỳ lịch sử nhiều tên tuổi xứng đáng để nhân dân lập đền thờ tưởng nhớ công lao. Từ các dòng họ, truyền thống hiếu học đất Hồng Lam được vun đắp ngày càng mạnh mẽ. Bởi vậy, nét đẹp xây dựng dòng họ hiếu học ngày nay là một tiếp nối quá khứ được người dân chung tay góp sức.
Không chỉ hiếu học, dòng họ hơn tất cả mọi giá trị, là nơi nhắc nhở, răn dạy cháu con biết thuận hiếu, sống có nghĩa lí và tử tế ở đời. Bởi vậy, không ít dòng họ đã trở thành nơi giáo dục con em lánh xa tệ nạn xã hội, tránh cờ bạc, rượu chè. Các dòng họ tại Can Lộc, vùng biển Cẩm Xuyên, Thạch Hà… đã xây dựng mô hình dòng họ đảm bảo an ninh trật tự. Nhiều dòng họ đã tổ chức họp hành bài bản trong những ngày tế lễ, nhắc nhở những trường hợp con cháu chưa ngoan và lấy sức mạnh cộng đồng đồng tông, những người thành đạt để răn dạy. Từ sức mạnh có chung dòng máu, chung tiếng nói, nhiều dòng họ đã trở thành những tập thể tiêu biểu về ý thức chấp hành pháp luật, gương mẫu trong thực hiện các chủ trương ở địa phương như hiến đất, làm đường giao thông, phát triển kinh tế. Từ dòng họ, nhiều con em cũng đã được giải quyết việc làm. Ông Nguyễn Đình Thái – thuộc họ Nguyễn Đình (Thạch Hương, Thạch Hà) là một trong những người đã giải quyết việc làm cho hàng chục lao động là con cháu trong làng Minh Đình làm việc tại các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có nhiều người chỉ mới tốt nghiệp THCS, THPT.
Xây dựng dòng họ là tâm huyết của nhiều người nhưng cũng vì tâm huyết này mà tự nhiên hình thành một số điều chưa đẹp. Chưa bao giờ làng xã Việt Nam nói chung, vùng Hà Tĩnh nói riêng lại có nhiều công trình của dòng họ nguy nga và đồ sộ đến thế.
Có lẽ, cái tâm lí “hoành tráng”, “hơn đời” đã ảnh hưởng không ít đến việc đầu tư xây dựng lăng tẩm, nhà thờ họ. Không khó để bắt gặp những lăng mộ được móng cọc, đầu tư hàng tỷ đồng với các kiểu ốp đá, xây dựng thành khối nhà to bự, vượt trội hẳn trong nghĩa trang. Không khó để bắt gặp những nhà thờ hàng tỷ đồng tương đương với một trường học. Những công trình ấy thật đối lập với muôn vàn nỗi khó nhọc ở vùng quê, nơi nhiều gia đình vẫn còn thiếu ăn, bở hơi tai lo cho con ăn học.
Một thợ sơn nói với tôi, vừa qua, anh đã thi công một nhà thờ họ ở Lộc Hà với gần 100 m3 gỗ lim, riêng tiền thợ mộc đã hơn 1,5 tỷ đồng; bên cạnh nhà thờ gỗ nguy nga, dòng họ còn xây dựng nhà dừng chân. Người thợ sơn này cũng tấm tắc khen một nhà thờ ở vùng thượng Cẩm Xuyên với trị giá gần chục tỷ đồng.
Nhà thờ, lăng tẩm nguy nga là niềm vui của con cháu dòng họ, nhưng niềm vui ấy đã gợi lại những tư tưởng cục bộ làng xã xưa. Lâu nay, người ta nói nhiều đến tính cục bộ, cát cứ làng xã, coi đó như một hạn chế trong phát triển, vậy nhưng, với cách đầu tư của các mạnh thường quân, các dòng họ đang ít nhiều có sự phân biệt, muốn hơn nhau trong một không gian chung sống.
Dĩ nhiên, người viết hiểu rằng, một công trình tốn kém luôn đi liền với một cái tâm toàn vẹn mà ai đó đã dành cho dòng họ, cũng là cách để lại tên tuổi cho đời. Về mặt mỹ thuật, cha ông xưa thường kín kẽ, khiêm nhường nên mọi nơi thờ tự thường khuất lấp, tĩnh mịch để đấng tối cao an tĩnh nơi cõi thiền. Vậy nhưng, có vẻ thời kinh tế thị trường đã thổi tính “động” vào các công trình tâm linh, khiến cho tính hướng nội của công trình ít đi, thay vào đó là hướng ngoại, hướng ra bên ngoài nhịp đời nhộn nhịp, xô bồ.
Mong rằng, trong sự phát triển chung, hãy vì lòng khoan dung mà ít đi những công trình đồ sộ, thay vào đó là những bàn tay mát dịu, làm cho ngôi làng thuận hoà và bớt chênh lệch “đẳng cấp” hơn.
Mạnh Hà
BÁO HÀ TĨNH